Hoàn cảnh và vật chất thiếu thốn không phải là lời bào chữa hùng hồn cho những thất bại trong cuộc sống. Rất nhiều con người vĩ đại đã sinh ra trong nghèo khổ, cha đẻ của đế chế Hyundai Chung Ju Yung chính là một trong những người như vậy.
Từ một cậu bé nông dân nhà nghèo, chỉ học hết tiểu học, Chung Ju Yung đã gây dựng cơ ngơi tỷ đô, trở thành một trong những doanh nhân đáng nể nhất lịch sử doanh nghiệp Châu Á và là niềm tự hào của người dân xứ sở kim chi.
Hành trình kiến nghiệp vĩ đại của ông để lại những kinh nghiệm và bài học quý giá cho thế hệ trẻ muốn theo đuổi nghiệp kinh doanh.
Chung Ju-yung sinh ngày 25-11-1915 tại Asan thuộc Tongchon (Bắc Triều Tiên). Là con cả trong gia đình nông dân nghèo 8 người con, trình độ học vấn chính thức của ông chỉ dừng lại ở bậc tiểu học vì phải phụ giúp gia đình. Cuộc đời của Chung Ju Yung đều trải dài những lần vấp ngã, nhưng sau cùng lại đạt được rất nhiều thành tựu vĩ đại:
-
Ba lần trốn chạy khỏi Bắc Triều Tiên
Năm 16 tuổi, Chung Ju Yung cùng một người bạn trốn nhà lên thành phố Chongjin làm việc với khát vọng thoát khỏi cuộc sống khó khăn. Cả 2 xin vào làm công nhân xây dựng tại thị trấn Kowon thế nhưng chỉ được 2 tháng, ông đã bị cha tìm thấy và bị lôi về nhà.
Lần thứ hai trốn nhà đi Seoul, Ju Yung đã bị một gã đàn ông trung niên lừa hết tiền vì tin rằng hắn sẽ kiếm cho ông một công việc trong khách sạn. Sau chuyến đi 10 ngày ngắn ngủi lang thang ở Seoul, ông lại bị cha lôi về lần nữa.
Lần trốn nhà thứ ba là vào 1 năm sau, lần này Chung Ju Yung đã suy nghĩ kỹ lưỡng, lên kế hoạch cụ thể hơn. Ông đã ăn trộm 70 won tiền bán bò của cha để mua vé lên Seoul.
-
Hai lần khởi nghiệp bất thành
Tại Seoul, Ju-Yung xin vào một cửa hàng gạo làm chân chạy vặt và giao hàng cho khách. Nhờ tính cần cù, tiết kiệm, ông thành công mở một cửa hàng phân phối gạo khi mới 22 tuổi. Tuy nhiên, thời điểm quân đội Nhật chiếm đóng Triều Tiên, việc một người địa phương sở hữu doanh nghiệp thực phẩm bị xem là bất hợp pháp nên cửa hàng gạo của Chung Ju-Yung bị buộc phải đóng cửa vào tháng 12/1939. Lần khởi nghiệp đầu tiên của ông coi như thất bại.
Trong lần khởi nghiệp thứ hai, Chung Ju-Yung mua lại một xưởng sửa xe của người bạn với số tiền 3000 won đi vay. Do sự sơ ý của công nhân, xưởng sửa chữa ô tô cùng những chiếc xe đắt tiền của khách nhanh chóng bị cháy rụi.
Ông đã phải đi vay nặng lãi để xây dựng lại nhà xưởng và làm việc như một công nhân cả ngày lẫn đêm để có thể sửa nhanh gấp 2 – 3 lần xưởng khác, với giá cao hơn mặt bằng chung. Đến khi trả được hết nợ và liên tục mở rộng thì quân đội Nhật lại ép buộc xưởng sửa xe này của ông phải sáp nhập với một nhà máy thép, ông trở về quê với số tiền 50.000 won.
Mặc dù thất bại nhưng hai lần khởi nghiệp trên là kinh nghiệm quý giá cho Ju-Yung thành lập nên đế chế Huyndai sau này.
-
Thành lập Hyundai
Năm 1946, sau khi hai miền Nam-Bắc Triều Tiên chính thức phân cắt, Ju-Yung mở lại doanh nghiệp sửa xe, đặt tên là Hyundai. Do nhanh chóng nhận ra mảng sửa xe không lợi nhuận bằng xây dựng công trình bất động sản nên vào năm 1947, ông thành lập thêm Hyundai Civil Industries với 11 nhân viên (trong đó có một “kỹ sư” vốn là giáo viên kỹ thuật cơ khí).
Tận dụng thời điểm quân đội Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc, Ju-Yung nhờ vào em trai thông thạo tiếng anh Chung In-Yung mà trúng thầu nhiều hợp đồng xây dựng cho quân đội Mỹ tại Hàn Quốc. Đến khi chiến tranh kết thúc (1953), Hyundai Construction đã trở thành một trong những công ty xây dựng lớn nhất Hàn Quốc.
Tận dụng thanh thế ngày càng lan rộng, Hyundai tham gia đấu thầu thành công nhiều công trình xây dựng của chính phủ, đặc biệt dưới thời tổng thống Park Chung Hee. Trong khoảng thời gian này, mảng kinh doanh ô tô của Hyundai cũng phát triển mạnh, mẫu xe hơi đầu tiên hiệu Pony ra đời năm 1976, chiếc xe Hyundai đầu tiên xuất khẩu thành công sang Mỹ vào năm 1986. Chung Ju-Yung trở thành doanh nhân lừng lẫy Seoul.
-
Dùng tờ 500 won vay 50 triệu USD
Sau khi đã thành công chiếm lĩnh thị trường xe và thị trường xây dựng, Chung Ju-Yung đã đưa Hyundai bước vào ngành công nghiệp đóng tàu.
Để có 50 triệu USD xây dựng xưởng đóng tàu Ulsan, Ju-Yung đến hết ngân hàng này đến ngân hàng khác vay vốn nhưng đều bị từ chối. Khi đặt chân đến ngân hàng Barclays ở Anh, ông cũng bị từ chối bởi chẳng có chút kinh nghiệm nào về việc làm ra loại tàu cỡ lớn, ngay đến cả kỹ thuật cũng không có.
Tuy nhiên, vì thấy Chung Ju Yung quá kiên quyết với ý tưởng của mình, ngân hàng cũng đã thông qua Đại sứ quán để nắm được một số thông tin cơ bản về các lĩnh vực ở Hàn Quốc. Sau đó, ngân hàng dẫn lời của Hiệp hội tàu thuyền Hàn Quốc là không thể làm được nhưng Chung Ju Yung đã nói với họ:
“Tất cả mọi việc nếu nghĩ là làm được thì đều có thể làm được. Nếu mà Hiệp hội tàu thuyền nước tôi hoặc công ty tàu thuyền khác cho rằng việc này có thể làm được thì họ đã đến đây vay tiền các ông trước tôi. Chính vì họ nghĩ việc này không thể nên khi ai đó hỏi, đương nhiên họ sẽ nói không làm được. Nhưng tôi nghĩ rằng nhất định sẽ làm được. Mong các ông hãy thẩm định lại hồ sơ một lần nữa“.
Đồng thời, ông rút ra tờ 500 won với hình con tàu mà người Triều Tiên từng đóng vào thế kỷ 16, 300 năm trước khi người Anh cho ra đời con tàu sắt đầu tiên của họ. Chung Ju-yung nhấn mạnh rằng công nghiệp đóng tàu Triều Tiên hẳn có thể tiến xa từ lâu nếu không bị triều đại Chosun cản trở.
Cuối cùng thì ngân hàng Barclays cũng đồng ý tái thẩm định hợp đồng và cho Hyundai vay 50 triệu USD.
-
Trở thành nhà đóng tàu lớn nhất thế giới
Trước thập niên 1970, Hàn Quốc chưa có con tàu nào lớn hơn 10.000 tấn nhưng Hyundai đã thành công ký được hợp đồng đầu tiên hai tàu dầu 240.000 tấn đặt từ Hy Lạp. Các đơn đặt hàng quốc tế từ Hong Kong và Nhật cũng theo đó mà đến. Năm 1975, Chính phủ Hàn Quốc ra lệnh tất cả dầu nhập từ Trung Đông phải được chở bằng tàu dầu Hàn Quốc. Nhờ vậy, cuối thập niên 1980, Hyundai đã trở thành nhà đóng tàu lớn nhất thế giới.
Chỉ trong vòng 30 năm, Chung Ju-yung đã đưa Huyndai tham gia hầu hết các ngành công nghiệp chủ lực thời bấy giờ như Hyundai Engineering (xây dựng), Hyundai Motors (xe hơi), Hyundai Merchant Marine (đóng tàu), Hyundai Electronics (điện tử),… Nếu như Hyundai Merchant Marine là nhà đóng tàu lớn nhất thế giới thì Hyundai Electronics đã trở thành nhà sản xuất chip vi tính thứ nhì thế giới chỉ trong vòng 10 năm. Doanh số hàng năm của Hyundai trước đại khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 là 90 tỷ USD. Với gia sản 6 tỷ USD, Chung Ju-yung trở thành người giàu nhất Hàn Quốc.
Khi đó, với Chung Ju-yung, cuộc đời người đàn ông dường như “không gì là không thể” và ““Không bao giờ là thất bại”. Tuy nhiên, những giấc mơ không trọn vẹn vẫn luôn tồn tại.
-
Giấc mơ giang dở
Năm 1992, với tài sản 4 tỷ USD, Chung Ju-Yung ôm mộng chính khách, tuyên bố tranh cử tổng thống. Đảng Nhân dân thống nhất của ông giành 16% phiếu. Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị Ju-Yung bị cản trở khi Chính phủ Kim Young-sam quy kết ông dùng quỹ công ty cho chiến dịch vận động tranh cử.
Năm 1998, Chung Ju-Yung trở về quê cha đất tổ, nơi ông đã đánh cắp của bố một con bò để làm lộ phí xuống miền Nam, dựng sự nghiệp từ bàn tay trắng. Tại đây, Chung Ju-Yung đã tặng cho nông dân làng Asan 1001 con bò. Công dân Hàn Quốc đầu tiên bước qua Bàn Môn Điếm – Biên giới CHDCND Triều Tiên mà không có quân đội đi kèm chính là Ju-Yung, ông dắt con bò trở lại miền Bắc để “trả lại” món nợ năm xưa.

Một trong những dự án chính của Ju-Yung trong chuyến đi trên là thương nghị với Chính phủ Bình Nhưỡng về công trình khu du lịch tại núi Keumgang thuộc địa phận CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, đây lại là một giấc mơ giang dở thứ hai của ông.
Khi công trình chưa hoàn thành thì 10h tối 21-3-2001, Chung Ju-yung từ trần. Sáng hôm sau, báo chí Hàn Quốc đồng loạt viết về Chung Ju-yung, về con đường khởi nghiệp gian nan và lòng kiên trì của ông, về quan niệm độc đáo trong kinh doanh và về một người cha hướng dẫn thành công 8 con trai mình vào con đường thương trường. Đối với người dân Hàn Quốc, Chung Ju Yung chính là huyền thoại khởi nghiệp và là niềm tự hào của dân tộc.
Tạp chí The Economist của Anh đã từng gọi ông Chung là “vị vua cuối cùng” với lời nhận định:
“Đối mặt với đợt suy thoái kinh tế lớn nhất trong vòng 20 năm qua, tất cả các tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc đều sụt giảm tăng trưởng. Tất cả, trừ Hyundai của Chung Ju Yung”.
5 Bài học để đời của vị vua đế chế Hyundai
- Cuốn tự truyện “Không bao giờ là thất bại! Tất cả là thử thách“ là một trong những cuốn tự truyện được yêu thích nhất của thế hệ trẻ khởi nghiệp Hàn Quốc nói riêng, cuốn sách gối đầu giường của doanh nhân trên toàn thế giới nói chung.
1/ Sống giản dị, tiết kiệm
Chung Ju Yung khẳng định ông đã sống một đời rất giản dị, tiết kiệm. Khi đi làm thuê cho cửa hàng gạo, mỗi sáng, Chung Ju Yung đều thức dậy sớm để đi bộ đi làm, tiết kiệm 5 won tàu điện mỗi ngày. Khi đôi giày mòn vẹt, Chung Ju Yung cũng không nỡ vứt đi mà tiếp tục đóng thêm một cái đế vào sử dụng. Quần áo từ hè sang thu, ông chỉ có một bộ, chỉ mặc thêm áo lót bên trong khi đông đến. Với đồng lương 1 bao gạo 1 tháng, ông nhất định phải tiết kiệm 1 nửa, tất cả tiền thưởng, ông đều dành hết cho việc tiết kiệm.
Chung Ju Yung nói rằng: “Tôi không tin vào những người kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, dùng tiền trên cả mức kiếm được và luôn luôn mang nợ”.
2/ Giữ chữ tín
Ngoài việc tiết kiệm, tài sản mà Chung Ju Yung có nhiều hơn người khác chính là uy tín. Là người đáng tin cậy, ông được chủ cửa hàng giao lại cơ ngơi, bắt đầu kinh doanh với nguồn vốn duy nhất. Khi uy tín ngày càng lớn, kết hợp tất cả uy tín ở những lĩnh vực khác gom lại như tiền bạc, số lượng, chất lượng sản phẩm, thời gian, hợp đồng, Chung Ju Yung đã tạo ra “đế chế” Hyundai hùng cường.
3/ Suy nghĩ khác biệt, tích cực hướng về phía trước
Sinh ra trong gia đình nghèo khó, Chung Yu Jung từ bé đã phải theo cha ra đồng làm việc dưới nắng gắt. Trái với nhiều người, ông không hề thấy công việc này vất vả mà oán than số phận, thay vào đó, ông tận hưởng niềm vui những lúc giải lao dưới bóng râm.
Chu Yu Jung cho rằng, nguồn cơn của mọi điều chính là từ trong suy nghĩ, một người suy nghĩ những điều tốt đẹp sẽ tạo ra một nguồn năng lượng tích cực và ngược lại:
“Cách suy nghĩ tiêu cực và bi quan là rào cản của sự phát triển và trưởng thành. Người có suy nghĩ tiêu cực không phát huy được hết năng lực của mình, họ luôn bất mãn, oán trách, chán nản và từ đó lãng phí thời gian, sức lực nên thất bại và gục ngã, kết quả tuyệt vọng là đương nhiên.”
“Nếu trở thành nô lệ của lối suy nghĩ cũ thì sẽ không có tính thích ứng. Suy nghĩ theo sách giáo khoa cũng là một cạm bẫy. Con người tài giỏi phải vượt qua cạm bẫy một cách trí tuệ”
4/ Làm việc cần cù, chăm chỉ
Suy nghĩ là điều cần nhưng chưa đủ, để thành công chúng ta cần phải hành động. Cũng giống như Chung Ju Yung, từ nhỏ ông đã lao động hăng say mà không phút nào ngơi nghỉ:
“Một ngày làm việc cần cù thì đêm mới có thể ngủ ngon giấc, một tháng cần cù thì sẽ thấy cuộc sống của mình đi lên, một năm, hai, ba năm, cả cuộc đời cần cù thì sẽ phát triển to lớn. Cuộc sống của người cần cù sẽ ý nghĩa hơn biết bao nhiêu, họ có thể làm việc gấp bao lần người khác”.
“Không có phép màu nào trong cái gọi là “Kỳ tích sông Hàn”. Kỳ tích đó không có gì ngoài sự lao động chăm chỉ, hết lòng và thật tận tâm.”
5/ Tự tin vào bản thân
Chính vì tự tin vào bản thân mà Chu Ju Yung đã làm nên những điều tưởng chừng như không thể: Ông vay tiền mở xưởng sửa xe dù chưa biết nhiều về cơ khí cũng như ô tô, có thể vay 50 triệu USD từ ngân hàng Barclays để đóng tàu mà không có một chút kinh nghiệm nào, quyết tâm vay thêm tiền mở lại xưởng sửa chữa ô tô bị thiêu rụi dù vẫn đang ngồi trên đống nợ, đấu thầu thành công cảng Dubai,…
Chu Ju Yung từng nói:
“Nếu bạn còn nghi ngờ năng lực bản thân thì kết quả công việc sẽ bị hạn chế và rất khó đột phá. Nếu từ trong suy nghĩ bạn đã do dự cho rằng mình không thể làm được thì chắc chắn bạn sẽ không thể làm được.”
“Tôi tin tưởng vào khả năng sáng tạo và tiềm năng không giới hạn của con người khi họ có ý chí vững chắc và quyết tâm bằng mọi cách để đạt đến thành công.”
Nội dung các bài viết được rút từ tự truyện “Không bao giờ là thất bại, Tất cả là thử thách” của người sáng tập Tập đoàn Hyundai Chung Ju Yung và nhiều tài liệu tham khảo khác.