Từ năm 1993 đổ về trước, kinh tế Việt Nam chưa phát triển, quỹ đất nhiều và quá trình đô thị hóa còn chậm nên nhu cầu sử dụng đất chưa cao. Tuy nhiên, năm 1995 là cột mốc đặc biệt quan trọng, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập ASEAN, nền kinh tế có những bước tiến triển vượt bậc. Đặc biệt, kể từ khi Luật Đất đai 1993 ra đời, cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì thị trường bất động sản (BĐS) từ đó cũng hình thành.
Hãy cùng nhìn lại lịch sử 25 năm thăng trầm và phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam qua bài viết dưới đây:
Giai đoạn 1993 – 1995: Sốt giá lần 1
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, vào năm 1995 và 1996, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trên 9% mỗi năm, lạm phát giảm từ 12,7% (năm 1995) xuống mức 4,5% (1996) và 3,6% (1997). Đây chính là giai đoạn giá nhà đất tăng nhanh, thị trường bất động sản phát triển mạnh.
Giai đoạn 1995 – 1999: Thị trường BĐS lao dốc
Khi 2 nghị định số 18 và 87 về thuê đất lần lượt ra đời, buộc người sử dụng phải trả tiền thuê đất và tiền chuyển quyền sử dụng đất thì làn sóng xả nhà diễn ra ồ ạt, cung vượt cầu.
Bên cạnh đó, khủng hoảng kinh tế Châu Á (1997-1998) khởi nguồn từ Thái Lan đã khiến một số dự án BĐS của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thất bại, thị trường suy thoái.
Giai đoạn 2001 – 2003: Sốt giá lần 2
Với việc gia nhập Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ vào năm 2001, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, GDP lần lượt tăng 6.79% năm 2000 và 6.89% năm 2001.
Cơn sốt nhà đất bùng nổ, giá bất động sản Việt Nam lúc này ở mức đắt nhất thế giới, cao hơn cả một số thành phố lớn của các nước công nghiệp phát triển và hoàn toàn vượt khỏi tầm với của những người có thu nhập từ thấp đến trung bình tại Hà Nội hay TP.HCM.
Cơn sốt nhà đất chủ yếu tập trung vào nhà mặt tiền và đất dự án. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây là cơn sốt từ nhu cầu ảo, giá ảo bởi vì giao dịch mua bán sôi động nhưng không có công trình hay nhà ở nào được xây dựng.
Năm 2003 – 2006: Thị trường BĐS trầm lắng
Một lần nữa, sự can thiệp của Nhà nước lại tác động mạnh đến thị trường BĐS:
- Luật Đất Đai 2003 và Nghị định 181 của Nhà nước ra đời, quy định dự án phải xây dựng nhà xong mới được bán, chấm dứt tình trạng phân lô bán nền.
- Đến năm 2005: Khung giá đất mới được điều chỉnh theo hướng sát với giá thực tế làm cho chi phí đền bù, giải tỏa lên cao.
Lúc này, thị trường BĐS gần như tê liệt, năm sau trầm hơn năm trước. Năm 2003: Giao dịch địa ốc thành công giảm 28%, năm 2004 giảm 56%, năm 2005 giảm 78%.
Năm 2007 – 2008: Sốt đất lần 3
Năm 2006, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, đầu tư quốc tế ồ ạt đổ vào khiến chứng khoán phát triển cực thịnh, dòng vốn thặng dư từ chứng khoán từ đó chuyển sang bất động sản.
Hơn nữa, năm 2007 luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực, cùng chính sách áp dụng cho Việt kiều mua nhà ra đời, khiến thị trường BĐS sôi động.
Đây là giai đoạn bong bóng bất động sản hình thành, giá nhà đất tăng đột biến từ 50-70%, thậm chí 100%. Thị trường bất động sản lại đứng trước một cơn sốt nhưng lần này là sốt đất căn hộ cao cấp và biệt thự.
Giai đoạn 2009 – 2013: Khủng hoảng, suy thoái nặng nề
Do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, kinh tế Việt Nam năm 2009 suy thoái, lạm phát và nợ xấu tăng nhanh với mức tăng 19,89%, lãi suất vay ngân hàng lên đến 23 – 24%.
Đây cũng là giai đoạn khủng hoảng của thị trường bất động sản Việt Nam.
Giá nhà đất sụt giảm từ 30-40% chỉ trong thời gian ngắn. Đặc biệt đến nửa cuối năm 2011, quả bóng BĐS xì hơi mạnh, tồn kho bất động sản năm 2012 lên tới trên 100.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp BĐS lao đao khi nợ xấu tăng vọt, nhà nước đã phải bơm gói tín dụng 30,000 tỷ đồng vào thị trường bất động sản để tháo gỡ khó khăn.
Từ 2014 – 2018: Phục hồi và phát triển ổn định trở lạị.
Năm 2014 Luật kinh doanh BĐS ra đời, người nước ngoài có cơ hội sở hữu nhà ở Việt Nam. Theo sau đó, nhiều loại hình bất động sản mới gia nhập như Officetel, condotel, shophouse, BĐS công nghiệp… khiến thị trường BĐS có dấu hiệu hồi phục và phát triển.
Đến năm 2018, các cơn sốt đất bắt đầu trở lại trên cả nước: Sốt ảo giá đất nền, sốt đất nông nghiệp tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, sốt đất tại TP.HCM và các tỉnh thành miền Trung.
Giai đoạn 2019 đến nay: Thị trường BĐS chững lại
Đầu năm 2019, cơn sốt đất ở nhiều địa phương có xuất hiện nhưng cũng qua nhanh rồi rơi vào trầm lắng. Bước sang năm 2020 đến nay, sự xuất hiện của đại dịch covid-19 ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, thị trường bất động sản nhanh chóng rơi vào trầm lắng, có sự sụt giảm cả về nguồn cung và số lượng giao dịch.
Giới đầu tư đang lo lắng về lời nguyền chu kỳ rằng cứ khoảng 10 năm thì bất động sản sẽ gặp chuyện không hay. Và rằng bong bóng nhà đất năm 2008 liệu có lặp lại năm 2021, 2022 do đại dịch covid-19?
Bong bóng nhà đất 2008 liệu có lặp lại vào năm 2022?
Có thể thấy, trong 25 năm phát triển, thị trường BĐS có những thăng trầm và biến cố, những giai đoạn phát triển nóng, suy giảm, đóng băng, hồi phục rồi tăng trưởng trở lại phụ thuộc mạnh mẽ và các yếu tố:
Thứ nhất: Bức tranh tổng thể của nền kinh tế
Thứ hai: Sự can thiệp của nhà nước về chính sách tiền tệ, tín dụng, chính sách tài chính, thuế đối với BĐS, chính sách cho thuê đất,…
Thứ ba: Các yếu tố khác như tình trạng lệch pha cung cầu, hiện tượng đầu cơ, kỹ thuật số thúc đẩy kinh doanh BĐS qua mạng,…
Như vậy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiếp diễn và nền kinh tế ảm đạm như hiện nay, bức tranh thị trường bất động sản 2022 khó có thể lạc quan. Tuy nhiên, ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam vẫn luôn tin tưởng vào sự vực dậy của lĩnh vực bất động sản, ông cho rằng sự hỗ trợ của nhà nước sẽ là một đòn bẩy đắc lực cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.