Satoshi Nakamoto, “cha đẻ” của Bitcoin là một lập trình viên ẩn danh. Kể cả đến khi Bitcoin vượt đỉnh 68.000 USD, lập kỷ lục mọi thời đại nhưng vẫn chưa ai biết Satoshi là bút danh của một cá nhân hay tổ chức. Ngay cả những người đồng nghiệp cùng dự án nghiên cứu cũng chưa một lần gặp mặt mà chỉ liên lạc thông qua email. Cũng vì vậy mà có rất nhiều câu chuyện ly kỳ xoay quanh tên gọi này. Hãy cùng The Mastro tìm hiểu về những bí ẩn lớn nhất thế kỷ xoay quanh đồng điện tử số một thế giới qua bài viết dưới đây.
SATOSHI NAKAMOTO LÀ AI?
Bitcoin được phát hành lần đầu vào năm 2008 bởi một người có biệt danh là Satoshi Nakamoto. Đến 2011, người này biến mất hoàn toàn sau khi chuyển toàn bộ mã nguồn Bitcoin cho nhà phát triển Gavin Andresen. Việc không công khai danh tính đã dẫn đến nhiều suy đoán đáng kể về Nakamoto, đặc biệt là khi tiền điện tử ngày càng tăng về số lượng, mức độ phổ biến và sự nổi tiếng. Tròn 14 năm trôi qua, thế giới vẫn chưa rõ Nakamoto là một cá nhân hay tổ chức.
Tuy nhiên, tiết lộ trong bài báo của New Yorker năm 2011, nhà nghiên cứu bảo mật Internet Dan Kaminsky mô tả Bitcoin là một “phương thức thực thi khó hiểu nhưng gần đạt đến mức hoàn hảo” và đánh giá “cha đẻ” của Bitcoin là một thiên tài “chỉ có những lập trình viên siêu năng lực trên thế giới mới có thể tạo một sản phẩm không mắc sai lầm như vậy”.
Giá trị của Bitcoin được ấn định trên sàn giao dịch phi tập trung ngày 5/10/2009, khởi điểm ở mức 0,00076 USD/ Bitcoin. Nhưng các giao dịch thương mại đầu tiên phải hơn nửa năm sau đó mới được thực hiện. Từ một ý tưởng ngoài lề, Bitcoin hiện tại đã trở thành đồng tiền phổ biến được hơn 100 triệu người trên toàn thế giới sử dụng. Đến đầu tháng 11/2021, giá đồng tiền Bitcoin được giao dịch ở mức đạt đỉnh kỷ lục mọi thời đại 68.300 USD, kéo theo sự tăng giá của các đồng tiền điện tử khác đã đưa giá trị vốn hóa thị trường điện tử tiệm cận mốc 3.100 tỷ USD.
Lật lại gốc rễ trên chặng đường đầy thăng trầm của Bitcoin, Satoshi Nakamoto đã đề xuất một cách tiếp cận phi tập trung cho các giao dịch, có giá trị hơn nghìn tỷ đô la trên toàn cầu. Nó được mã hóa bằng công nghệ đỉnh cao là blockchain, từ đó tạo ra các chữ ký số để chứng minh Bitcoin đến từ đâu. Trong blockchain, mốc thời gian cho một giao dịch được thêm vào cuối mốc thời gian trước đó dựa trên bằng chứng công việc, tạo ra một bản ghi lịch sử không thể thay đổi.
Bởi vì hồ sơ của các giao dịch được phân phối trên nhiều nút trong hệ thống, mô hình dựa trên niềm tin này vẫn dẫn đến rủi ro gian lận nếu bên thứ ba không còn thực sự đáng tin cậy. Việc loại bỏ bên thứ ba chỉ có thể được thực hiện bằng cách xây dựng mật mã vào các giao dịch.
Mặc dù danh tính của Nakamoto chưa được xác định nhưng các chuyên gia ước tính rằng giá trị của Bitcoin dưới sự kiểm soát của Nakamoto được cho là có thể vượt quá 50 tỷ USD. Do số Bitcoin tối đa có thể được tạo ra là 21 triệu, cổ phần của Nakamoto trong 5% tổng số Bitcoin nắm giữ có sức mạnh thị trường đáng kể. Vì sự giàu có của danh xưng này mà đã có rất nhiều các chuyên gia trên thế giới cố gắng tìm ra Nakamoto là ai và xuất hiện hàng loạt những câu chuyện bí ẩn xoay quanh “cha đẻ” của Bitcoin.
TẠI SAO SATOSHI NAKAMOTO PHẢI ẨN DANH
Liên quan đến các vấn đề pháp lý
Mạng lưới tiền tệ phi tập trung (DeFi) mà Satoshi tạo ra một khi đủ điều kiện cạnh tranh trực tiếp với hệ thống tài chính tập trung hiện thời, đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương không còn giữ vai trò chủ chốt trong việc điều phối thị trường tài chính toàn cầu. Không một Chính phủ nào muốn viễn cảnh đó xảy ra.
Trên thực tế, trong sách trắng Bitcoin (White Paper), Nakamoto cũng nhận ra việc có thể bị các chính phủ điều tra nên đã chọn ẩn danh ngay từ đầu. Một trong những nguyên tắc được người này đề ra rằng Bitcoin là tiền tệ phi tập trung, không bị ràng buộc bởi tổ chức hoặc cá nhân. Nakamoto viết: “Điều cần thiết là một hệ thống thanh toán điện tử dựa trên bằng chứng mật mã thay vì sự tin tưởng, cho phép hai bên giao dịch trực tiếp với nhau mà không cần bên thứ ba”.
Business Insider nhận định rằng: “Việc lựa chọn ẩn danh giúp Bitcoin không có điểm yếu và không bị bất cứ ai xâm phạm. Ngoài ra, nó cũng giúp nhà đầu tư đánh giá đồng tiền một cách khách quan và tự do, tập trung vào công nghệ mà không bị danh tính tác giả làm phân tâm”.
Trong quá khứ, Phil Zimmermann, một nhà khoa học máy tính và mật mã học người Mỹ đã từng tạo ra một phần mềm cho phép mọi người liên lạc với nhau mà không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan nào. Ngay khi vừa ra mắt, phần mềm này đã bị Chính phủ Mỹ lập tức xóa sổ khi nó còn chưa kịp phát triển mạnh. Thậm chí sau đó Zimmermann đã bị xếp vào đối tượng điều tra hình sự.
Hay một ví dụ điển hình là Bernard von NotHaus, đã bị FBI kết tội “tạo ra tiền tệ tư nhân để cạnh tranh với tiền tệ chính thức” năm 2009 khi tự tạo ra đồng tiền riêng Liberty Dollar bằng kim loại quý và sau đó cho lưu thông ở Mỹ trong nhiều năm. Ngoài ra, von NotHaus là người sáng lập một tổ chức có tên là “Tổ chức Quốc gia về Bãi bỏ Cục Dự trữ Liên bang và Bộ luật Thuế vụ (ORFED)” và còn được gọi là Liberty Services. Von NotHaus là chủ tịch của NORFED và giám đốc điều hành của Liberty Dollar Services, Inc. cho đến khoảng ngày 30 tháng 9 năm 2008.
Việc bị “nhòm ngó” quá mức buộc “cha đẻ” của Bitcoin không công khai danh tính. Điều này giúp cả người tạo Bitcoin và đồng điện tử này không bị ràng buộc bởi bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào, cũng như tránh được các hậu quả pháp lý bất lợi.
Đối mặt với một đợt bán tháo
Satoshi Nakamoto là người đầu tiên khai thác những khối Bitcoin và được ước tính nắm giữ 1 triệu trong tổng số 21 triệu đồng Bitcoin, tương đương khoảng 60 tỷ USD. Bitcoin và hệ thống Blockchain với đặc tính nổi bật là ẩn danh, nó cần được phát triển một cách tự nhiên nhất.
Theo Brian Armstrong, Giám đốc điều hành của nền tảng tiền điện tử Coinbase, việc Nakamoto xuất hiện có thể tác động tiêu cực và gây mất ổn định đến toàn bộ thị trường tiền điện tử. “Nếu hơn 1 triệu Bitcoin được tung ra, giá của đồng tiền kỹ thuật số này chắc chắn sẽ giảm”.
“Bitcoin được đánh giá cao ở bản chất phi tập trung, tức không thuộc sở hữu bởi bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào. Việc Nakamoto ra mặt đồng nghĩa Bitcoin sẽ đặt dưới một thực thể duy nhất, từ đó nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà với tiền số này và kích hoạt một đợt bán tháo, khiến giá trị của nó giảm mạnh”.
Tình huống tương tự đã xảy ra với Charlie Lee, “cha đẻ” của Litecoin, sự xuất hiện của ông đã gây ra đợt biến động giá, cuối cùng khiến ông quyết định bán tất cả số coin mà mình đang sở hữu.
NHỮNG NHÂN VẬT ĐƯỢC ĐỒN ĐOÁN LÀ NGƯỜI SÁNG LẬP BITCOIN
Dorian Satoshi Nakamoto: Người đàn ông người Mỹ gốc Nhật có cùng tên
Dorian Nakamoto là một học giả và kỹ sư ở California, người được Leah McGrath Goodman xác định là người tạo ra Bitcoin trong một bài báo trên Newsweek vào tháng 3 năm 2014. Tuy nhiên khi được các phóng viên phỏng vấn, ông hơi thất thần và cho biết rằng ông chưa bao giờ nghe đến Bitcoin trước khi được giới truyền thông liên hệ và đề nghị về một bữa trưa miễn phí.
Sau bài báo đó, tài khoản của Satoshi Nakamoto trên P2P Foundation đã đăng tải một dòng trạng thái với nội dung đơn giản “Tôi không phải là Nakamoto”. Tài khoản đăng tải này hoàn toàn trùng khớp với tài khoản của nhà sáng lập Bitcoin. Cuối cùng, các cuộc điều tra sau đó đã loại Dorian Nakamoto ra khỏi cuộc điều tra.
Hal Finney: Nhà khoa học máy tính người Mỹ
Bitcoin là sản phẩm của phong trào cypherpunk và một trong những trụ cột của phong trào đó là Hal Finney. Finney đã hoạt động tích cực trong cộng đồng Bitcoin trước và sau khi ra mắt và ông cũng là người đầu tiên nhận 10 Bitcoin trong một giao dịch vào tháng 1/2019. Ông cũng tình cờ sống cách Dorian Nakamoto vài dãy nhà, vì vậy từng được nhà báo Andy Greenberg của Forbes đặt nghi vấn Finney có thể đã là một “tác giả ảo” thay mặt cho Satoshi, hoặc ông sử dụng danh tính của người hàng xóm Dorian để che giấu thân phận.
Tuy nhiên sau khi Greenberg nhờ một công ty phân tích chữ viết của Finney và Satoshi, cho kết quả “đây là hai mẫu chữ giống nhau nhất mà công ty này từng gặp”. Đồng thời, khi nhìn thấy các email, lịch sử ví Bitcoin, bao gồm cả giao dịch đầu tiên từ Satoshi đến Finney, Greenberg kết luận rằng Finney không phải là “cha đẻ” của Bitcoin. Sau đó, Hal Finney đã qua đời vào năm 2014.
Nick Szabo: Người tiên phong về tiền kỹ thuật số
Giống như Finney, Szabo là một cypherpunk đời đầu và là bạn của nhiều người kỳ cựu trong vòng tròn kết nối “tiền kỹ thuật số”. Vào năm 2005, ông đã viết một bài đăng trên blog giả thuyết về một loại tiền kỹ thuật số có tên là “Bitgold” sẽ không phụ thuộc vào sự tin tưởng của các bên thứ ba.
Nathaniel Popper, phóng viên tờ New York Times đã từng có cơ hội trò chuyện trực tiếp với Nick Szabo. Anh tin rằng Nick Szabo có khả năng cao chính là cha đẻ thực sự của đồng Bitcoin. Tuy nhiên, Nick ngay lập tức phủ nhận và nói mình không phải Satoshi Nakamoto.
Craig Wright: “Cha đẻ tự xưng” của Bitcoin
Một trong những nhân vật đầy màu sắc được đề cử là người đứng sau Satoshi Nakamoto là Craig Wright, một nhà kinh doanh và học giả người Úc. Hai bài báo trên Wired và Gizmodo cho rằng Wright có thể là người đứng sau Bitcoin, nhưng các cuộc điều tra sau đó đã kết luận rằng anh ta đang diễn trò lừa bịp phức tạp.
Năm 2016, Wright hứa rằng anh ta sẽ cung cấp bằng chứng rằng anh ta là Nakamoto bằng cách chuyển những đồng bitcoin từ những ngày đầu khi nó được tạo ra sang một tài khoản khác, điều mà chỉ người tạo ra tiền điện tử mới có thể làm, vì đặc tính chữ ký kỹ thuật số hiển thị lịch sử của các giao dịch bitcoin. Tuy nhiên với những chỉ trích gay gắt, chỉ vài ngày sau, anh ta xóa lời cam kết đó trên Internet và thay thế nó bằng một thông điệp có nội dung: “Tôi xin lỗi”.
Vào tháng 12 năm 2021, một bồi thẩm đoàn đã bác bỏ đơn kiện dân sự chống lại Wright được đưa ra bởi gia đình của một đồng nghiệp cũ, chuyên gia máy tính David Kleiman quá cố. Gia đình của Kleiman lập luận rằng Wright và Kleiman đã cùng nhau hợp tác tạo ra Bitcoin dưới danh nghĩa Satoshi Nakamoto và do đó, họ đòi quyền sở hữu một nửa số tiền được cho là 1,1 triệu BTC của Wright.
Nếu Wright thua kiện, tòa án có khả năng sẽ ra phán quyết rằng anh ta phải chuyển 50% số tiền đó, có nghĩa là Wright sẽ cần sử dụng đến ví Satoshi và điều đó cũng chứng minh được anh ta chính là Satoshi Nakamoto. Tuy nhiên, Wright đã thắng kiện và không phải thực hiện yêu cầu như vậy. Anh ta vẫn khăng khăng tuyên bố mình là người đứng sau đồng tiền ảo này.
“Tôi cảm thấy đặc biệt hạnh phúc và được minh oan. Tôi không phải và chưa bao giờ là kẻ lừa đảo”, cha đẻ tự xưng của Bitcoin cho biết.
Ngoài ra, nhà đầu tư Bitcoin Arthur van Pelt nói rằng “Wright đã gian lận, lừa dối mọi người, và câu chuyện mà anh dựng ra là một trò chơi niềm tin”. Van Pelt là một trong những nhà phê bình thẳng thắn nhất về Wright khi nói “Không có bằng chứng thực tế, độc lập, đáng tin cậy”.
Bitcoin với đặc tính mô hình phi tập trung, không có nhà lãnh đạo hoặc kiểm soát độc lập, tuy nhiên cộng đồng các nhà đầu tư vẫn bị ám ảnh bởi người tạo ra nó đến mức có thể gây chao đảo thị trường kể cả khi nhận được những tin tức không đúng sự thật. Nhiều người được đồn đoán là Satoshi Nakamoto, chủ yếu là những lập trình viên tham gia vào dự án Bitcoin thời kỳ đầu. Tuy nhiên, chưa có ai thực sự chứng minh được mình là người tạo ra Bitcoin.