Xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 2017, tài sản số NFT đang thực sự bùng nổ vào năm 2021 và 2022. Nhiều tác phẩm nghệ thuật được bán với giá hàng triệu USD, nhiều ngôi sao nổi tiếng, lãnh đạo doanh nghiệp cũng đua nhau tham gia thị trường. Tuy nhiên, giống như với bất kỳ công nghệ mới nào, NFT cũng có khả năng bị bọn tội phạm lợi dụng vào hoạt động rửa tiền.

NFT là viết tắt của cụm từ Non-Fungible Token (tạm dịch là tài sản không thể thay thế), nó là một loại tài sản số, sử dụng công nghệ blockchain tương tự như Bitcoin hay Ethreum.
Bất cứ thứ gì từ âm nhạc, nghệ thuật, tên miền website hay thậm chí cả dòng đăng tải (tweet) trên Twitter…. đều có thể được mã hóa và trở thành tài sản NFT. Khi mua một bức tranh NFT có nghĩa là bạn đã “mua” quyền sở hữu của tác phẩm đó.
Nếu bạn là một fan của NFT, hẳn bạn đã không lạ gì với những thông tin như: Bức tranh ghép kỹ thuật số “Everydays: The First 5.000 Days” dưới dạng NFT của nghệ sĩ Beeple được bán với mức giá 69,3 triệu USD. Hay tại Việt Nam, cũng có Hoạ sĩ nhí Xèo Chu đã thu về gần 23.000 USD cho bức tranh “Hoa mai may mắn” trên sàn NFT.
Tuy nhiên, nhiều lúc bạn không thể biết được tại sao một NFT như thế này lại có giá không tưởng. Điều này mở ra một khía cạnh khác liên quan đến NFT, đó là giao dịch rửa tiền NFT.
Giao dịch rửa và rửa tiền NFT
Về lý thuyết, bạn có thể hiểu một cách đại khái giao dịch rửa NFT có nghĩa là một người tự tạo ra các địa chỉ mà họ tự cấp vốn, để mua đi bán lại một loại tài sản NFT, đẩy giá trị của nó cao hơn thực tế.
Hầu hết các nền tảng giao dịch NFT không yêu cầu xác minh danh tính nên người dùng có thể tham gia một vòng kết nối vô tận, tự mua và bán cho mình bất kỳ NFT nào.
Với phân tích blockchain, chúng ta có thể dễ dàng phát hiện ra những người dùng bán NFT đến các địa chỉ mà họ đã tự cấp vốn.
Cụ thể, vào năm 2021, công ty nghiên cứu chuỗi khối Chainalysis đã xác định được người rửa NFT nhiều nhất, có 830 lần bán hàng đến các địa chỉ mà họ tự cấp vốn. Tổng cộng 262 người dùng đã bán NFT cho một địa chỉ mà họ tự cấp vốn hơn 25 lần.
Mặc dù không thể chắc chắn hoàn toàn rằng tất cả các trường hợp bán NFT cho ví tự tài trợ là nhằm mục đích rửa tiền nhưng các cơ quan chức năng nhấn mạnh ngưỡng 25 giao dịch là đủ cho mục đích rửa tiền.
Làm thế nào để rửa tiền với NFT? Tại sao NFT là sân chơi dễ dàng cho tội phạm rửa tiền?
Có thể nói, NFT là sân chơi dễ dàng cho bọn rửa tiền.
Bất cứ ai cũng có thể tạo ra và bán tài sản NFT và không có gì đảm bảo cho giá trị của nó, cũng như không ai có thể đảm bảo rằng những đoạn mã token này sẽ tồn tại sau nhiều năm tới. Điển hình trong năm 2020, giá trị của một số loại NFT phổ biến đã tăng khoảng 2000%.
Hoạt động rửa tiền phổ biến nhất là với các tác phẩm nghệ thuật NFT. Vì thuộc lĩnh vực nghệ thuật nên nó mang tính chủ quan và rất khó định giá. Nó có thể trị giá hàng triệu đô la với ai đó đã trót yêu nó, nhưng lại không bằng mẩu bánh mì của một người đang đứng xem với cái bụng đói cồn cào. Vì lẽ đó, nên chúng thoát được sự chỉ trích của dư luận và tầm ngắm của các nhà lập pháp.
Quy trình rửa tiền với NFT sẽ được thực hiện như sau:
- Bước 1: Bọn tội phạm có thể mua tác phẩm nghệ thuật NFT bằng số tiền nhỏ, hợp pháp.
- Bước 2: Tự tạo ra các ví ẩn danh khác, thực hiện giao dịch rửa, mua đi bán lại nhiều lần nhằm thổi phồng giá trị của NFT.
- Bước 3: Chúng khai báo ngân hàng có số tiền dường như sạch từ việc bán NFT mà không liên quan đến hoạt động tội phạm ban đầu.
Việc rửa tiền với các tác phẩm nghệ thuật trong NFT không phải là mới, tính chủ quan của nghệ thuật chính là lý do khiến nó được sử dụng như một phương tiện rửa tiền trong nhiều thế kỷ nay mà không ai có thể ngăn cản.
Trong phần tiếp theo của video, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về phi vụ rửa tiền NFT lớn nhất thế giới từng được phát hiện cho đến nay, ít nhất là cho đến thời điểm làm video này.
Phi vụ rửa tiền NFT lớn nhất thế giới
Ngày 24/3/2022 vừa qua, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ thông báo đã bắt giữ hai người bị cáo buộc tội lừa đảo và rửa tiền bằng NFT. Đó là Ethan Nguyễn và Andre Llacuna, cùng 20 tuổi. Họ bán NFT không có thật cho các nhà đầu tư, rồi từ bỏ dự án, đóng cửa trang web và bỏ trốn với 1,1 triệu đô la tiền kỹ thuật số
Cụ thể, vụ việc diễn ra như sau:
Vào tháng 1/2022, Ethan Nguyễn và Andre Llacuna công khai chào bán bộ sưu tập 8.888 Frostie NFT trên sàn giao dịch OpenSea với những lời hứa hẹn về lợi ích mà Frostie mang lại, bao gồm phiên bản avatar 3D và video game Frosties trong tương lai.
Dự án hoạt động sôi nổi và được bán hết trong vòng một giờ, 8,888 Frostie NFT thu về tổng cộng 1.1 triệu đô la tiền kỹ thuật số. Ngay sau đó, chúng chuyển hết tiền thu được đến các ví tiền điện tử khác nhau nhằm xáo trộn nguồn tiền ban đầu, đóng cửa trang web Frostie, khóa kênh Discord, Twitter và thông báo rằng:
“Tôi biết điều này rất sốc, nhưng dự án này sắp kết thúc. Tôi chưa bao giờ có ý định tiếp tục dự án và tôi không có kế hoạch cho bất cứ điều gì trong tương lai”
Ngay sau khi thông báo này phát đi, giá trị của những NFT này “tụt dốc không phanh”. Người mua chỉ kiếm được một vài đô la khi họ cố gắng bán lại NFT của mình và từ bỏ mọi hy vọng nhận được phần thưởng đã hứa.
Hàng nghìn người đã đồng loạt gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng và vụ việc đã nhanh chóng được thụ lý. Các điều tra viên đã truy vết địa chỉ IP, địa chỉ email và số điện thoại của họ thông qua các tài khoản Discord các tài khoản tương ứng trên sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase.
“Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt”, các tài khoản Coinbase đã được liên kết với thẻ tín dụng Citibank và ID cá nhân, do đó, danh tính của hai tên tội phạm đã được xác định chính xác.
Các công tố viên cho biết Ethan Nguyen và Llacuna đã lên kế hoạch lặp lại hành vi “bay đêm” với một dự án NFT khác có tên “Embers” dự kiến ra mắt vào ngày 26 tháng 3. Tuy nhiên, dự án chưa được thực hiện thì hai tên tội phạm đã bị bắt vào ngày 24/3 vừa qua.
Cặp đôi phải đối mặt với án tù 20 năm nếu bị kết tội.
Đây được coi là cuộc trấn áp lớn đầu tiên trong thế giới NFT.