Đã bao giờ bạn tự hỏi, với cùng số tiền ba mẹ cho hàng tháng, tại sao bạn thường xuyên rơi vào tình trạng “ăn mỳ tôm cuối tháng”, trong khi bạn khác đủ tiêu hoặc thậm chí dư dả. Nguyên nhân có thể là do bạn đang thiếu kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, chưa tìm ra cách hoạch định cho riêng mình kế hoạch chi tiêu hợp lý. Nếu bạn còn mông lung trong việc tự quản lý tài chính hàng tháng, hãy để The Mastro mách bạn vài phương pháp quản lý tài chính hữu ích nhé!
1. Tổng hợp nguồn thu nhập hàng tháng
Bạn cần tổng hợp xem mình có tổng cộng bao nhiêu tiền trước khi đưa ra quyết định chi tiêu hàng tháng, tránh tình trạng chi vượt mức. Đối với các bạn sinh viên, nguồn thu nhập chủ yếu đến từ các khoản gia đình chu cấp, tiền lương làm thêm part-time: phát tờ rơi, nhân viên quán cafe hoặc kinh doanh ngoài như bán hàng online, …
2. Liệt kê các khoản chi tiêu của bản thân
Bạn hãy lập danh sách chi tiết cho các khoản cần chi tiêu ngắn hạn tùy theo nhu cầu chi tiêu của bản thân. Tiếp theo, hãy sắp xếp các mục này theo thứ tự từ trên xuống dưới theo mức độ quan trọng. Ngoài ra, bạn cũng nên liệt kê vài chi tiêu có thể phát sinh và bỏ ra khoản dự trù cho các tình huống phát sinh đó. Khi bạn làm điều này, các khoản chi tiêu cố định hay khoản phát sinh ngoài dự kiến sẽ đều nằm trong tầm kiểm soát.
3. Ghi lại đầy đủ các khoản chi tiêu
Ghi lại các khoản chi tiêu là việc làm cần thiết để kiểm soát tình hình tài chính cá nhân. Khi ghi chép hiệu quả sẽ cho bạn biết được rằng mình đã tiêu tiền vào những khoản nào, lãng phí nhất vào đâu. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh ngân sách chi tiêu, lên kế hoạch chi tiêu sao cho phù hợp với tình hình tài chính hiện tại.
Bạn có thể ghi chép truyền thống bằng sổ tay, hoặc hiện nay có rất nhiều phương pháp hiện đại và nhanh chóng hơn. Sử dụng phần mềm tính toán trên máy tính (như Excel) hoặc các ứng dụng quản lý tài chính của smartphone cũng rất tiện lợi. Các ứng dụng này không chỉ linh hoạt khi sử dụng mà còn hỗ trợ người dùng theo dõi và quản lý tiền bạc hiệu quả hơn.
4. Lập cho mình một khoản tiết kiệm
Tiết kiệm nhưng không phải là dè xẻn trong việc chi tiêu đến mức bị đánh giá là keo kiệt, mà hãy tiết kiệm có kế hoạch bằng việc đặt ra các mục tiêu cụ thể. Việc sở hữu các khoản tiết kiệm cũng giúp cho bạn có thể phòng trừ các chi phí tình huống khẩn cấp, như ốm đau, hư hỏng đồ đạc…
5. Lập bảng cân đối ngân sách
Ngoài khoản thu, chi và tiết kiệm kể trên, hãy lập ra cho mình một bảng cân đối ngân sách. Bảng cân đối ngân sách chỉ là chiếc bảng kê khai lại, tổng hợp những gì cần chi và thể hiện ngân sách của bạn là bao nhiêu.
Ngoài viết tay, bạn hoàn toàn có thể dùng những phần mềm, ứng dụng hỗ trợ để bảng ngân sách của mình. Một lưu ý quan trọng khi lập bảng cân đối là bạn phải đảm bảo số tiền chi ra luôn thấp hơn thu vào. Làm theo nguyên tắc này sẽ giúp bạn dễ dàng kiểm soát và quản lý được tài chính cá nhân, ngoài ra còn có thể tích lũy cho việc kinh doanh và đầu tư trong tương lai.
Trên đây là những phương pháp giúp các bạn sinh viên quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả. The Mastro hy vọng các bạn sẽ tìm ra được công thức quản lý phù hợp với bản thân để tránh những chi tiêu lãng phí không đáng có.