Thứ Ba, Tháng Năm 30, 2023
Tiêu điểm Sự kiện

Những thương vụ thâu tóm “hố nhất” trong giới công nghệ. Kẻ khóc, người cười?

Những thương vụ thâu tóm “hố nhất” trong giới công nghệ

Những phi vụ mua bán sáp nhập (M&A) đình đám được kỳ vọng sẽ tạo ra bước tăng trưởng đột phá cho cả hai bên. Tuy nhiên, rất nhiều trong số đó đã nhanh chóng thất bại thảm hại. Thảm họa mua bán, sáp nhập của các ông lớn như Samsung, Yahoo… thậm chí còn gây thiệt hại tới hàng trăm tỷ USD.

Trên thế giới, quả thật đã có không ít những thương vụ M&A đem lại những kết quả tuyệt vời. Một trong số đó là việc Pepsi-Cola sáp nhập Frito-Lay vào năm 1965 để tạo thành PepsiCo… Trong những thập kỷ sau đó, Pepsico đã trở thành người khổng lồ toàn cầu với 15 thương hiệu, mỗi thương hiệu đạt doanh thu trên 100 triệu USD mỗi năm.

Vào tháng 7/2005, giới đầu tư đã hoài nghi hành động của tỷ phú Rupert Murdoch khi tập đoàn truyền thông News Corp của ông bỏ ra 580 triệu USD để mua lại mạng xã hội ảo MySpace. Nhưng hiện nay, MySpace có giá khoảng 10 tỷ USD. Như vậy, rõ ràng là tỷ phú truyền thông Murdoch đã kiếm được khoản hời lớn.

Tuy nhiên, ngoài một vài thương vụ mang đến trái ngọt như trên, hầu hết các công ty sau khi sáp nhập đều gặp nhiều vấn đề: Giá cổ phiếu sụt giảm, nội bộ lục đục và cắt giảm nhân sự; thậm chí, còn làm cho doanh nghiệp “dở sống dở chết” và đi vào con đường phá sản.

Dưới đây là danh sách những vụ thâu tóm như vậy, chỉ tính riêng trong lịch sử ngành công nghệ:

1. Sony “ngậm đắng nuốt cay” với Columbia Pictures năm 1989: Thiệt hại 3,2 tỷ USD

Hùa theo xu thế liên kết chiều dọc trong những thập niên 80 – 90, gã điện máy khổng lồ Sony cố gắng thâu tóm hãng phim danh tiếng của Mỹ Columbia Pictures vào năm 1989 với cái giá “khá chát” 4,8 tỷ đôla.

Tuy nhiên, Sony đã mắc sai lầm khi sử dụng một ban quản lý không có năng lực để điều hành phòng thu. Đó là còn chưa kể đến việc văn hóa kinh doanh của Nhật Bản hoàn toàn khác với hãng phim đình đám của Hollywood. Trong khi trụ sở chính ở Tokyo vẫn còn hoang mang và chưa có bất cứ động tĩnh gì, thì các nhà quản lý hãng Columbia đã phung phí tiền cho lương thưởng và những bộ phim dở tệ.

Ban quản lý hãng phim sau đó đã phải giải tán, Sony ngậm đắng nuốt cay thông báo ghi giảm 2,7 tỷ đô la tài sản Columbia và báo lỗ vào cuối năm 1994 là 3,2 tỉ đô la. Mickey Schulhof – nhân vật lãnh đạo công ty Sony của Mỹ, người đã lập kế hoạch mua Columbia buộc phải từ chức trong vòng một năm sau đó.

Biểu tượng nổi tiếng của hãng làm phim Columbia Pictures
Biểu tượng nổi tiếng một thời của hãng phim Columbia Pictures

2. Yahoo và GeoCities: Một thời để… nhớ

Năm 1998, GeoCities là website được ghé thăm nhiều thứ ba trên Internet. Đây là lý do cho việc Yahoo quyết định thâu tóm GeoCities với số tiền được xem là kỷ lục vào năm 1999: 3,57 tỷ USD. Thương vụ được thực hiện với mục tiêu là biến Geocities thành một trong những trang web được trả giá cao nhất trên mạng Internet.

Tuy nhiên, trong vòng 15 năm sau khi được Yahoo mua lại, Geocities không hề “phất lên” mà lại chìm dần vào quên lãng và chính thức đóng cửa vào năm 2009. Hiện Geocities chỉ còn hoạt động duy nhất tại Nhật Bản.

GeoCities không phải công ty duy nhất chứng minh năng lực yếu kém của ban quản trị Yahoo. Yahoo từng vung tiền mua nhiều công ty khác với mức giá khá “chát”, nhưng sau đó số phận các công ty này phần lớn đều rất èo uột, hoặc biến mất hoặc bị bán lại với giá lỗ hơn, bao gồm: Broadcast.com, Kelkoo, HotJobs…

Yahoo khép lại kỉ nguyên GeoCities
Yahoo khép lại kỉ nguyên web cá nhân đầu tiên GeoCities

 

3. Yahoo và Broadcast.com năm 1999: Thiệt hại 5,7 tỷ USD

Năm 1999, Yahoo quyết định mua lại toàn bộ cổ phiếu của trang web truyền hình Broadcast.com với giá 130 USD/cổ phiếu. Tổng giá trị thương vụ lên đến 5,7 tỷ USD – gấp 100 lần tổng doanh thu hàng năm của công ty. Bỏ ra cả đống tiền để có được Broadcast.com, nhưng ban quản trị Yahoo lại tiếp tục chẳng biết làm gì với nó.

Đến năm 2009, thì toàn bộ công ty Broadcast.com đều đã “chết ngắc”. Người ta cho rằng, đây là thương vụ mua bán “ngớ ngẩn” chỉ nuôi béo mỗi Mark Cuban – Người sáng lập Broadcast.com, ông này nghiễm nhiên trở thành một tỉ phú và có một số tiền khổng lồ để mua lại Dallas Mavericks.

Mọi truy cập vào trang web Broadcast.com sau đó đều được chuyển hướng sang Yahoo.

 Broadcast là thương vụ Yahoo chi tiền lớn nhất để mua lại từ trước đến nay.
Broadcast là thương vụ Yahoo chi tiền lớn nhất để mua lại.

4. AOL ném 9 tỷ USD qua cửa sổ với Netscape năm 1999

Vào giữa thập niên 90, Netscape Navigator được xem là “vị vua” trong thế giới trình duyệt, góp phần thúc đẩy Internet phổ biến đến người dùng. Tuy vậy, sau khi chiếm lĩnh thị trường, Netscape lại ngủ quên trên “ngai vàng” và dần bị phế truất bởi Internet Explorer của Microsoft khi ra mắt vào năm 1995. Cuộc chiến giữa 2 trình duyệt kết thúc vào năm 1999 khi IE đã chiếm lĩnh hơn 60% thị phần và kéo dài sự thống trị của mình trong nhiều năm sau đó.

Lúc này, AOL quyết định mua Netscape đang “hấp hối”. Nhưng đội ngũ phát triển của hãng này vẫn thất bại trong việc giành lại thị phần trình duyệt web từ IE.

Cuối cùng, AOL cũng đặt dấu chấm hết cho Netscape vào sáng ngày 28/12/2007 và quyết định ném 9 tỷ USD qua cửa sổ.

 

Phiên bản cuối cùng của Netscape vang bóng một thời
Phiên bản cuối cùng của Netscape “vang bóng” một thời

5. AT&T và NCR năm 1991: Thiệt hại 12,8 tỷ USD

Những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước, ông lớn trong làng viễn thông Mỹ AT&T đã quyết định mua lại NCR – công ty điện máy với mức giá 7,48 tỷ USD để xâm nhập thị trường máy tính cá nhân. Tuy nhiên, việc tiến vào miền đất hứa không hề bằng phẳng, AT&T không thể tạo nên xu hướng mới cũng như cộng lực giữa truyền thông và máy tính, buộc phải bán tháo NCR và chịu lỗ 4 tỷ USD.

Trước đó, AT&T đã phải bơm thêm cho NCR 2,8 tỷ USD và phải chịu tổn thất tổng cộng là 12,8 tỷ USD trong thương vụ này.

Ông lớn trong làng viễn thông Mỹ AT&T
Ông lớn trong làng viễn thông Mỹ AT&T

6. Sprint và Nextel Communications năm 2005: Thiệt hại 36 tỷ USD

Trong tháng 8/2005, Sprint đổi một lượng lớn cổ phiếu trị giá 36 tỷ USD để lấy phần lớn cổ phần tại Nextel Communications. Sự sát nhập hai nhà mạng lớn thứ ba và thứ năm của Mỹ đã tạo ra một nhà mạng mới Sprint Nextel với 40 triệu khách hàng.

Sprint Nextel tràn trề hy vọng lật đổ sự thống trị của AT&T và Verizon, hai nhà mạng viễn thông lớn nhất nhì nước Mỹ khi đó. Tuy nhiên, sự hợp nhất không như mơ, văn hóa làm việc khác biệt giữa hai công ty đã tạo ra những đứt gãy trong hệ thống quản lý và chăm sóc khách hàng.

Cơ sở khách hàng của Sprint là thị trường tiêu dùng cá nhân, trong khi Nextel lại nhắm đến các công ty nhiều hơn. Hai hãng chẳng có điểm chung nào, họ thậm chí còn ghét nhau: Năng lượng và sự tập trung của công ty đều dành cho việc đấu đá và kiện tụng, trong khi việc tiếp thị và phát triển sản phẩm không được chú ý.

Hậu quả là Sprint Nextel mất dần hàng triệu khách hàng và suy giảm lợi nhuận nhanh chóng trong khi tiền mặt vẫn được chi ra như nước.

Sau 8 năm cố gắng và ít nhất 36 tỷ USD bỏ ra, Sprint cuối cùng đã phải đóng cửa Nextel trong năm 2013. Thương vụ Sprint – Nextel vẫn được nhớ đến như là vụ sáp nhập thất bại lớn nhất ngành viễn thông.

Phiên bản cuối cùng của Netscape vang bóng một thời
Sprint – Nextel là vụ sáp nhập thất bại lớn nhất ngành viễn thông

7. Kỉ lục chưa bao giờ bị phá vỡ: American Online (AOL) và Time Warner (TW) năm 2000 với tổng thiệt hại 299 tỷ USD

Thất bại tài chính của AOL và Time Warner có lẽ là một trong những kỷ lục không bao giờ bị phá vỡ. Năm 2000 khi AOL quyết định sáp nhập với Time Warner tạo nên liên doanh mới có tên AOL Time Warner, cũng chính là thời điểm đánh dấu sự sụp đổ của hãng này.

Khi đó, AOL là công ty dịch vụ Internet, truyền thông và quảng cáo qua mạng còn Time Warner là hãng truyền thông về sản xuất chương trình truyền hình, phim ảnh âm nhạc. Tất cả nội dung, ý tưởng của Time Warner đều được đưa sang cho AOL nhằm thu hút khán giả và bán quảng cáo.

Tuy nhiên, sự hiệp lực trong suy nghĩ không bao giờ xảy ra. Vào năm 2002, băng thông rộng ra đời và bong bóng dotcom nổ ra khiến việc kinh doanh của liên minh AOL Time Warner chao đảo. Năm 2002, AOL thiệt hại 99 tỷ USD tiền vốn còn Time Warner bị “cuỗm mất” 200 tỷ USD giá trị cổ phiếu. Giám đốc điều hành của Time là Jerry Levin phải thừa nhận, ông đã “ký kết một hợp đồng tồi tệ nhất trong thế kỷ này”.

Năm 2015, hãng viễn thông Verizon chấp nhận mua lại AOL với cái giá bèo bọt 4,4 tỷ USD. Sang năm 2016, đến lượt Time Warner cũng bị hãng viễn thông AT&T mua lại với giá 85,4 tỷ USD và được đổi tên thành Warner Media.

American Online (AOL) và Time Warner (TW) năm 2000: Thiệt hại 299 tỷ USD

Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Harvard, tỷ lệ thất bại các của thương vụ M&A sau khi thâu tóm dao động từ 75%-90%, con số này đủ cảnh tỉnh các nhà điều hành thôi ảo tưởng về hào quang ánh sáng tương lai khi xúc tiến các thương vụ.


Tổng hợp bởi TheMastro


Tin liên quan

Vụ Call Margin chấn động nhất trong lịch sử giới tài chính: Mất 20 tỷ USD trong 2 ngày

Vụ sụp đổ của công ty đầu tư tư nhân Archegos Capital Management có danh mục đầu tư lên đến 100 tỷ USD được coi là sự kiện đáng chú ý nhất trong lịch sử tài chính hiện đại. Nhân vật trung tâm của sự kiện là ông Bill Hwang, nhà...
Vũ Anh

Tiệm bánh 1020 năm tuổi chỉ bán 1 sản phẩm duy nhất, bí quyết nào vượt mọi khủng hoảng?

Giữa thời đại công nghệ hối hả khi mọi thứ đều diễn ra nhanh chóng theo quy luật sớm nở tối tàn, thì tại đất nước Mặt trời mọc Nhật Bản lại có một tiệm bánh “sừng sững trường tồn” qua hơn 1000 năm tuổi. Việc nó xuất sắc vượt...
Vũ Anh

Thương vụ lừa đảo lớn nhất Singapore, gây chấn động giới nhà giàu

Bằng một chiêu thức không hề tinh vi, thậm chí đã cũ, cựu kiểm toán viên KPMG Ng Yu Zhi đã lừa hơn 1 tỷ USD của giới nhà giàu ở Singapore… Khi bị bắt, nạn nhân của Ng Yu Zhi là những công dân ưu tú bậc nhất ở...
Vũ Anh

Kinh tế Mỹ tăng trưởng âm, liệu một cuộc suy thoái kinh tế sẽ xảy ra vào năm 2022 hoặc 2023?

Chúng ta đều biết, sự xuất hiện của Đại dịch covid-19 đã làm điêu đứng nền kinh tế của nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, Anh và Khu vực đồng euro (Eurozone). Giá cả tăng cao kỷ lục do đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thúc...
Vũ Anh

Rửa tiền NFT là gì? Phi vụ rửa tiền NFT lớn nhất thế giới

Xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 2017, tài sản số NFT đang thực sự bùng nổ vào năm 2021 và 2022. Nhiều tác phẩm nghệ thuật được bán với giá hàng triệu USD, nhiều ngôi sao nổi tiếng, lãnh đạo doanh nghiệp cũng đua nhau tham...
Vũ Anh

Vụ trộm ngân hàng lớn nhất thế kỷ 21 – ly kì như phim Hollywood

Nguỵ trang dưới vỏ bọc cửa hàng cây cảnh, hơn 30 đạo chích thuê căn hộ cạnh ngân hàng Trung ương Brazil, lên kế hoạch đào hầm suốt 3 tháng và trót lọt cuỗm đi 3,5 tấn tiền mặt. Số tiền kỷ lục bị đánh cắp mà không bị phát...
Vũ Anh