Chứng khoán được coi là một trong những kênh đầu tư được quan tâm nhất hiện nay, bên cạnh các kênh đầu tư truyền thống như vàng, USD, bất động sản hay mới mẻ hơn như tiền ảo… Theo đó, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán là hiện tượng ám ảnh đối với bất cứ nhà đầu tư nào. Nó không chỉ gây ra thiệt hại nặng nề mà còn có thể khiến cho nền kinh tế của cả một quốc gia rơi vào tình trạng suy thoái.
Đối với các chuyên gia tài chính, Wall Street hay còn gọi là Phố Wall chắc chắn không phải là một cái tên xa lạ. Trên thực tế, nó chỉ là một con đường nhỏ hẹp dài khoảng 1.1 km nằm ở Khu Tài Chính thuộc vùng hạ Manhattan, thành phố New York. Tuy nhiên, đây lại là nơi đặt trụ sở của Sở giao dịch chứng khoán New York và nhiều tổ chức tài chính quan trọng, kiểm soát hàng nghìn tỷ đô la tài sản và chi phối thị trường tài chính thế giới.
Có câu nói rằng: “Khi Wall Street hỉ mũi, cả thế giới rung chuyển” và thực tế đúng là như vậy, trong lịch sử phát triển của mình, phố Wall đã nhiều lần trải qua những đợt khủng hoảng tài chính rúng động thế giới.
Dưới đây là ba trong số những ngày đen tối nhất trong lịch sử phát triển của phố Wall:
Thứ nhất, sự sụp đổ chứng khoán Phố Wall năm 1929
Vụ Đại Đổ Vỡ (Great Crash) ập xuống phố Wall vào ngày 29/10/1929.
Vào ngày này, chỉ số đo lường hoạt động của thị trường chứng khoán Mỹ là chỉ số công nghiệp Dow Jones rơi tự do 25%, 85% giá trị thị trường tương đương với hàng tỉ đô la đã không cánh mà bay, khiến hàng ngàn nhà đầu tư gặp khó khăn.
Đây được coi là vụ sụp đổ thị trường chứng khoán tàn khốc nhất trong lịch sử khi xét đến phạm vi tác động và hậu quả mà nó để lại: 25% người dân Mỹ bị mất việc làm, GDP sụt giảm 30%, phần còn lại của thế giới cũng rơi vào vòng xoáy của cuộc Đại khủng hoảng kéo dài đến 12 năm sau đó.
Nguyên nhân của vụ sụp đổ được cho là do là đầu cơ điên cuồng, khiến thị trường chứng khoán Mỹ trải qua đợt tăng trưởng nóng, trong khi sản xuất bị đình trệ, nông nghiệp yếu kém …
Sự sụp đổ của chứng khoán Phố Wall năm 1929 đã dẫn đến sự ra đời của một loạt các đạo luật mới như Đạo luật Glass Steagall năm 1933 tách rời hoạt động ngân hàng bán lẻ với ngân hàng đầu tư hay Đạo luật Phục hồi công nghiệp quốc gia. Bên cạnh đó, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC), Ủy ban Giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) cũng được thành lập để giám sát thị trường chứng khoán.
“Ngày thứ Hai đen tối” 19/10/1987
Đây cũng được coi là ngày khét tiếng nhất trong lịch sử tài chính khi chỉ số Dow Jones đột ngột sụt giảm hết biên độ lớn nhất của mình: Hơn 22% (tương đương 508 điểm).
Hậu quả của nó không chỉ giới hạn trong phạm vi nước Mỹ, mà còn mở rộng ra phạm vi toàn cầu: Vào cuối tháng 10, các thị trường đều ghi nhận sự sụt giảm ghê gớm: Úc – 41,8%; Canada – 22,5%; Hồng Kông – 45,8%; Anh – 26,4%.
Điều ngạc nhiên là không có bất kỳ sự kiện lớn nào xảy ra trước đó. Một ủy ban của văn phòng tổng thống được thành lập để điều tra sự sụp đổ là Ủy ban Brady, cùng với SEC và các cơ quan khác đổ lỗi cho nhiều nhân tố gây ra vụ sụp đổ: Bao gồm sự lo lắng của các nhà đầu tư về thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ, cuộc chiến giữa Kuwait và Iran đe dọa làm gián đoạn nguồn cung dầu, thậm chí, một số phương tiện truyền thông cũng bị chỉ trích trong việc lèo lái tâm lý của các nhà đầu tư khiến vụ việc leo thang.
Sau sự kiện này, Hoa Kỳ cũng như nhiều nước khác đã thiết lập cơ chế ngắt mạch/cúp cầu dao nhằm hạn chế sự sụp đổ quá chóng vánh của thị trường chứng khoán.
Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 2008
Khủng hoảng tài chính năm 2008 với bắt nguồn từ sự đổ vỡ liên quan thị trường bất động sản tại Mỹ, được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ sụp đổ TTCK năm 2008.
Khởi đầu là cái chết của ngân hàng Lehman Brothers – một ngân hàng lớn thứ tư nước Mỹ với hơn 600 tỷ USD vào ngày 15/09/2008, tạo nên một làn sóng làm rung chuyển toàn cầu: Chỉ số Dow Jones mất 504 điểm ngày hôm đó, chứng khoán thế giới cũng theo nhau lao “xuống vực thẳm”..
Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi kế hoạch cứu trợ tài chính trị giá 700 tỷ đô la của tổng thống Bush không được thông qua vào ngày 29/9/2008, chỉ số Dow Jones ngay lập tức mất 400 điểm chỉ trong 10 phút sau khi thông tin được công bố. Hơn 1,2 nghìn tỷ đô la biến mất khỏi thị trường chứng khoán Hoa Kỳ trong ngày.
Tình hình bắt đầu phát triển thành một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện: 15 ngân hàng và các doanh nghiệp tư nhân ở Hoa Kỳ, cũng như hàng loạt ngân hàng Châu Âu phá sản trong tháng 9. Hoạt động kinh tế toàn cầu bị đình trệ, trao đổi mậu dịch giảm 20%.
Có thể thấy, quá trình hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua nhiều thăng trầm: Tăng trưởng, rồi suy giảm và sụp đổ dường như đã trở thành điều tất yếu.
Thời kỳ huy hoàng của thị trường chứng khoán thường gắn liền với sự phát triển thịnh vượng của nền kinh tế, nhưng cũng có lúc nền kinh tế rơi vào đêm đen dẫn đến sự sụp đổ tàn khốc của phố Wall như Thời kỳ Đại Khủng hoảng 1929, đợt suy thoái những năm 1980 và cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn 2008 … Và như vậy, năm 2022 cũng không ngoại lệ.
Thị trường chứng khoán Mỹ liệu sẽ sụp đổ vào năm 2022?
Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta có thể nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ đều đang xuất hiện như: Đại dịch covid-19 tại Mỹ vẫn đang diễn biến khốc liệt, tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp cao, chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq cực kỳ biến động.
Đặc biệt, vào ngày 5/5 vừa qua, thị trường chứng khoán Mỹ lại xuất hiện phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu đại dịch. Netflix, một trong những cổ phiếu công nghệ nóng nhất trong những năm gần đây, đã mất 70% giá trị so với đầu năm. Amazon giảm 31%, thua kém cả các chỉ số chính.
Mối lo lắng về sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu manh nha từ giữa năm 2021 và kéo dài cho đến giữa năm nay 2022, khi hàng loạt các trang báo đầu tư ở nước ngoài như Market Watch, Forbes, Financial Times, the Epochtimes … đã dẫn lời của các chuyên gia tài chính cảnh báo về việc bong bóng giá TTCK tại Mỹ đã hình thành, chỉ không biết khi nào nó phát nổ mà thôi.
Như vậy, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ vào năm 2022 là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong lịch sử, khi trải qua một khoảng thời gian đủ dài, thị trường chứng khoán thường hồi phục và chinh phục những đỉnh cao mới, nhưng đa số các nhà đầu tư không có được cơ hội hồi phục từ thua lỗ vì họ thường hoảng loạn và bán hết chứng khoán khi thị trường sụp đổ. Bởi vậy, việc đưa ra quyết định đầu tư chứng khoán trong thời điểm này cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng.