Một ly nước có thể khiến cho một cửa hàng vốn buôn bán phát đạt, có vị trí đắc địa tại một khu phố sầm uất phải đóng cửa. Câu chuyện nghe thì khó tin nhưng quả thật không thể hời hợt bỏ qua.
Chúng ta hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây và suy ngẫm về sức mạnh của một ly nước này!
Tại một khu phố sầm uất có một cửa hàng đồ ăn nhanh kinh doanh rất phát đạt, một ngày, có một người phụ nữ trẻ bế theo đứa con nhỏ bước vào trong tiệm. Cô muốn mua đồ uống cho con nhưng trong cửa hàng chỉ bán nước ngọt, kem, các đồ uống lạnh, hoàn toàn không thích hợp với đứa nhỏ.
Cô nhìn quanh cửa hàng một hồi thì phát hiện có một cái máy lọc nước, bên trong có nước tinh khiết có thể cho đứa trẻ uống được. Vì vậy, cô ngập ngừng tới hỏi nhân viên phục vụ: “Chào anh, anh có thể cho tôi xin một ly nước được không?”
Người phục vụ liếc nhìn người phụ nữ một cái, rồi nói một cách lạnh lùng: “Cầm ly đến đây”.
Cô hơi ngạc nhiên với cách cư xử của người phục vụ nhưng rồi vội nói: “Thật xin lỗi, tôi không có ly ở đây”.
“Vậy thì không được”, nhân viên phục vụ trả lời rất nhanh.
Người mẹ trẻ đưa ra đề nghị, mang theo vẻ nài nỉ: “Vậy có thể cho tôi dùng ly của cửa tiệm được không? Tôi sẽ trả tiền mà. Con tôi khát lắm rồi”.
Người phục vụ trả lời cô một cách rất thiếu kiên nhẫn: “Ly trong tiệm này không bán, cô hãy mua đồ uống đi”. Giọng nói của người phụ nữ đã bắt đầu hơi run rẩy: “Con tôi không uống được nước ngọt, xin anh hãy cho tôi một ly nước”.
Lần này, người phục vụ mặc kệ cô, cứ thế quay đầu đi, sang phục vụ khách hàng khác.
Ngày hôm đó, sau khi bế con về nhà, người phụ nữ đã nói chuyện với những người hàng xóm về thái độ phục vụ của cửa hàng khiến cô cảm thấy bị tổn thương. Mọi người nghe xong, ai nấy đều cảm thấy tức giận: “Cửa hàng này thật sự quá đáng, chẳng có tình người gì cả, sau này tôi sẽ không quay lại đó nữa”. “Đúng thế, chắc chắn tôi cũng sẽ không đến đó nữa”… Nói chuyện xong, mọi người ai về nhà người nấy.
Trong số những người hàng xóm này có một giáo viên trung học. Trường học nơi người này dạy nằm ngay cạnh cửa hàng ăn nhanh đó. Ngày hôm sau đi làm, người giáo viên đã đem câu chuyện về quán ăn nhanh kia kể cho các đồng nghiệp. Mọi người nghe xong đều bày tỏ thái độ bất mãn: “Thật quá đáng, ngay cả một ly nước mà cũng tiếc…”
Các giáo viên trong trường khi nói chuyện phiếm với đám học trò, đều nhắc đến câu chuyện này. Họ không quên dặn học sinh một bài học: “Cửa tiệm đó không có tình người. Chúng ta sau này tốt nhất không nên tiếp xúc với những người như thế!”
Đám học sinh về nhà, lại nhao nhao kể với bố mẹ câu chuyện mà giáo viên nói với chúng, không quên nhấn mạnh rằng: “Thầy giáo con nói rồi, sau này không nên đi đến đó!”.
Những ngày sau đó, cửa hàng đồ ăn nhanh vẫn mở cửa kinh doanh, đón tiếp khách từ khắp nơi. Chỉ là không rõ từ khi nào mà khách hàng ngày càng vắng vẻ, trong khi trước đây ngày nào cũng hết bàn. Đặc biệt là vào cuối tuần, đám học sinh mặc đồng phục luôn đứng trước quầy xếp thành hàng dài, còn bây giờ chẳng còn thấy các em học sinh ấy nữa.
Điều kỳ lạ là những khách hàng khác, cũng rất ít đến. Đôi lúc có người đến, nhưng thấy ngoài phố vui vẻ, náo nhiệt còn trong tiệm lại trống không, không khí lạnh lẽo, đìu hiu thì cũng mua đồ rồi đi, chứ không ngồi lại trong quán.
Cửa hàng đã tìm cách cải thiện tình trạng kinh doanh, áp dụng không ít những chính sách khuyến mãi hấp dẫn như dùng bữa có thưởng, giảm giá combo, tặng quà v.v.., Thế nhưng những cách này chỉ có hiệu quả trong một khoảng thời gian ngắn và không lâu sau, trong tiệm lại vắng vẻ như cũ.
Dần dần, tại khu phố sầm uất này, ngày càng xuất hiện nhiều nhà hàng với đủ loại món ăn như sủi cảo, mì sợi, sữa đậu nành… khiến cho tình hình kinh doanh của cửa hàng thêm sa sút.
Cuối cùng đến một ngày, cửa hàng đồ ăn nhanh chính thức đóng cửa. Khi các nhân viên trong tiệm dọn dẹp đồ đạc rời đi, ai cũng không thể ngờ rằng, kết cục bất hạnh này, lại bắt nguồn từ một ly nước.
Lời bình: Sức nặng của một ly nước
Câu chuyện trên để lại một bài học đáng suy ngẫm. Trong nghệ thuật marketing hiện đại, chúng ta biết rằng một người nếu muốn thành công, cần phải kết hợp cả hai yếu tố, kỹ năng mềm (khả năng tự chủ, khéo léo, xử lý mọi tình huống một cách hợp lý) và kỹ năng cứng (trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm…). Thậm chí, một số nghiên cứu còn cho biết, kỹ năng mềm quyết định đến 75% sự thành đạt của một người.
Có những người được trời phú cho một kỹ năng “mềm” tuyệt vời, trong khi số khác phải trau dồi vất vả để nắm bắt và vận dụng được kỹ năng “mềm” nhằm chiếm thiện cảm của đối phương. Có rất nhiều khóa học về kỹ năng mềm, dạy rằng bạn phải lắng nghe chăm chú, biết khen chê đúng lúc… đôi lúc khiến cho bạn bị rối. Thực ra, bí quyết đằng sau tất cả những chiêu thức giao tiếp này rất đơn giản, bạn phải xuất phát từ thiện tâm, quan tâm chân thành và suy nghĩ cho khách hàng.
Trong nghệ thuật kinh doanh truyền thống, ông cha ta cũng dạy rằng con người khi kinh doanh, nếu không tích thiện, tích đức, không trân trọng khách hàng, kết quả chỉ có một, giống như một người cầm hòn đá tự đập vỡ chén cơm của mình.
Lấy một ly nước, chỉ là một cử chỉ rất nhỏ thôi, nhưng vào lúc cần thiết, nó lại thể hiện thái độ quan tâm, trân trọng đối với khách hàng, có thể sưởi ấm lòng người, nhưng cũng có thể khiến cho lòng người băng giá…