Sau Tiki, đến lượt MoMo cũng bày tỏ tham vọng muốn trở thành kỳ lân tiếp theo của Việt Nam thông qua nỗ lực gọi vốn thêm ít nhất 100 triệu đô la Mỹ. Không chỉ 2 doanh nghiệp trên, mà nhiều cái tên như Traveloka, Vntrip, F88 cũng có những tham vọng tương tự.
MoMo đang huy động thêm ít nhất 100 triệu USD để trở thành kỳ lân công nghệ tiếp theo của Việt Nam
Theo DealstreetAsia, CTCP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service), đơn vị phát triển ứng dụng di động MoMo được cho là đang huy động thêm ít nhất 100 triệu USD để trở thành kỳ lân công nghệ tiếp theo của Việt Nam. Cho đến lúc này, Việt Nam mới có hai cái tên kỳ lân, bao gồm VNG và VNLIFE. Sky Mavis – công ty đứng sau tựa game đình đám Axie Infinity mới đây được định giá 3 tỷ USD dù có đội ngũ phần lớn là người Việt Nam nhưng là công ty đăng ký trụ sở tại Singapore.
Việt Nam hiện có Tiki – sàn thương mại điện tử cũng tiệm cận mức kỳ lân công nghệ. Hồi đầu năm, MoMo được cho là đã huy động khoảng 100 triệu USD từ vòng gọi vốn Series D.
Với tuổi đời hơn 10 năm, MoMo đang định hướng trở thành một siêu ứng dụng nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu của người dùng, từ chuyển tiền, gửi tiết kiệm, vay nhanh, đặt vé du lịch, đặt vé xem phim, mua sắm, thanh toán…
Công ty cho biết hiện có hơn 25 triệu người dùng, hơn 30.000 đối tác kinh doanh và hơn 120.000 điểm chấp nhận thanh toán.
MoMo ngày càng phát triển thêm nhiều tính năng để thu hút và giữ chân người dùng, bao gồm cả việc gamification (tức là trò chơi hóa ứng dụng). Bên cạnh đó, MoMo cũng kết hợp cùng ngân hàng, các công ty bảo hiểm cung cấp nhóm dịch vụ tài chính như vay nhanh, mua trước – trả sau, đầu tư, thanh toán hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, vay tín dụng tiêu dùng, mua bảo hiểm tài sản, bảo hiểm du lịch với ưu điểm nhanh gọn và tiện lợi…

Tiêu chí nào để trở thành kỳ lân?
Kỳ lân là những startup có mức định giá trên 1 tỷ đô la Mỹ. Nhưng đó không phải là tất cả để quyết định một doanh nghiệp có trở thành kỳ lân hay không. Trong một bài viết đăng trên Techcrunch năm 2013, Aileen Lee, đồng sáng lập quỹ đầu tư Cowboy Venture, đã chỉ ra các điểm chung của các kỳ lân sau năm 2003.
- Thay đổi toàn bộ ngành:
Tạo ra dịch vụ mới để phục vụ nhu cầu mới hay còn bỏ ngỏ, và thay đổi toàn bộ cách mọi thứ đang hoạt động. Ví dụ: Uber với dịch vụ xe ôm/taxi công nghệ.
- Lấy công nghệ làm trung tâm:
Đa phần startup kỳ lân vươn lên nhờ tận dụng được tiến bộ của công nghệ và 87% sản phẩm của các công ty này thuộc lĩnh vực phần mềm.
- Tập trung giải quyết nhu cầu:
62% startup kỳ lân là các doanh nghiệp B2C (phục vụ khách hàng cá nhân) và họ ưu tiên tìm ra cách giải quyết đơn giản và hiệu quả nhất cho những nhu cầu của người dùng.
- Xuất phát từ công ty tư nhân:
đa phần thuộc sở hữu cá nhân và tăng giá trị bằng cách để công ty lớn thâu tóm hay đầu tư vào.
- Duy trì vị thế dẫn đầu:
Không chỉ là người khai phá dịch vụ/nhu cầu mới, họ còn thường xuyên cải tiến và định vị lại thị trường để luôn ở vị trí tiên phong.
Với trường hợp của MoMo, Tiki, hay các startup khác trong nước, có thể thấy số lượng có khả năng thay đổi toàn bộ ngành rất khiêm tốn, chỉ đếm trên đầu ngón tay. MoMo là một trong những ví điện tử lỗ nhiều nhất do chi mạnh may để tăng lượng người dùng. Ngoài ra, nhiều cái tên như Grab, Zalo, Tiki,hay Shopee cũng đang thực hiện cùng mục tiêu “siêu ứng dụng”, khiến cho sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội và ngoại ngày càng gay gắt.
Theo Cafebiz