Kinh doanh homestay thất bại là điều không ai muốn, mặc dù một số người đã khá tâm huyết và dồn tâm sức cùng tiền bạc vốn liếng vào đó. Thực tế khi bắt tay vào làm vẫn cứ…thất bại! Lý do kinh doanh homestay thất bại là do đâu?
Kinh doanh homestay thất bại
Kinh doanh homestay là kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, phục vụ khách du lịch có chỗ ăn nghỉ, sinh hoạt và có được trải nghiệm gần gũi với người dân bản địa để hiểu về cách thức sinh hoạt, văn hóa, phong tục tập quán.
Lĩnh vực kinh doanh này không đòi hỏi nhiều vốn và triển khai nhanh, tiềm năng khai thác lớn do nhu cầu du lịch trải nghiệm khám phá của du khách trong nước và nước ngoài ngày càng tăng. Do đó người dân địa phương hoặc những nhà đầu tư du lịch trong vùng hoặc nơi khác nhận thấy đây là cơ hội cực kỳ tốt và bắt tay vào kinh doanh.
Tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ nhất định các homestay xây lên rồi để đó đìu hiu do không có khách, hoặc lượng khách ít không đủ bù đắp chi phí, dần dần phải đóng cửa.

Làm sao để tránh được các tình huống đáng buồn đó? Học hỏi từ những thất bại của người khác là điều nên làm để ta lường trước các tình huống khó khăn và không đi vào vết xe đổ.
10 lý do kinh doanh homestay thất bại phổ biến nhất
1. Homestay chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của khách du lịch
Đây là lý do thường thấy khi người bản địa dùng chính nhà của mình để kinh doanh, du khách sẽ tới để ăn nghỉ sinh hoạt cùng tại gia đình. Người bản địa có lợi thế về văn hóa tự nhiên của họ, điều đặc sắc thu hút du khách, tuy nhiên điểm trừ là họ không phải người kinh doanh chuyên nghiệp.
Khi này thì cần phân biệt “giản dị” khác với “sơ sài”. Dù là ăn nghỉ cùng gia đình, nhưng các điều kiện như khu nhà tắm, khu vệ sinh, nơi nghỉ ngơi cũng nên được đầu tư cho cẩn thận. Và đồ ăn thức uống phục vụ du khách thì nên có thực đơn phổ thông bên cạnh các món truyền thống của gia đình, của vùng, vì cũng có trường hợp khách không ăn được, hoặc thực đơn nên là các món ngon đặc sắc để thưởng thức,thì mới tạo được điểm nhấn chứ không thể là gia đình ăn gì khách ăn nấy.

Dù sao thì khách hàng cũng là người đang đi du lịch, cũng không nên trở thành “kham khổ” quá, tới nỗi phải khó chịu vì các điều kiện tối thiểu không được đáp ứng.
2. Homestay thiếu tính độc đáo
Mô hình homestay mở rộng đó là không nhất thiết phải sinh hoạt cùng gia đình chủ nhà, người ta xây dựng các căn phòng nhỏ hoặc thậm chí là nhà ở tập thể, du khách ở chung phòng chỉ trả tiền thuê theo giường (nhà sàn hoặc kiểu ký túc xá).
Homestay kiểu này nằm trong vùng du lịch, đảm bảo yếu tố gần gũi với thiên nhiên tối đa, và du khách vẫn gần các nhà dân xung quanh đó để tìm hiểu, giao lưu văn hóa.

Những homestay kiểu này cần có chi phí thấp, nhưng nhấn mạnh vào sự thân thiện và độc đáo, sau khi khách kết thúc kỳ nghỉ ở đây thì cần đọng lại dư vị và ấn tượng tương đối lớn. Điều này sẽ thúc đẩy họ giới thiệu và lan truyền thông tin tích cực tới người thân quen hoặc có đánh giá tốt về homestay trên internet, một sự đảm bảo cho homestay ngày càng đông khách.
Nếu thiết kế “nhợt nhạt”, đầu tư chưa tới tầm, homestay sẽ khó cạnh tranh với những “đối thủ” lân cận. Khi post hình ảnh lên các kênh để quảng bá, những homestay “bình thường” khó gây tò mò để khiến khách hàng phải bấm vào nút đặt chỗ.

3. Dịch vụ kém là một lý do kinh doanh Homestay thất bại
Dù là homestay đơn giản trong đầu tư cơ sở vật chất, khách hàng “có vẻ” thoải mái và bình dân hơn so với khách nghỉ tại khách sạn hay resort. Nhưng bản chất đây vẫn là một miếng bánh trong ngành công nghiệp không khói. Để ăn được miếng bánh này, dịch vụ vẫn là yếu tố cốt lõi.
Những người kinh doanh chuyên nghiệp bỏ vốn mở homestay hiểu rằng, tất cả các trải nghiệm khách hàng từ khâu cung cấp thông tin giới thiệu, giao dịch đặt phòng, phục vụ khách hàng trong thời gian lưu trú, và nụ cười thân thiện khi chào tạm biệt và hẹn gặp lại họ đều rất quan trọng. Dù đưa con người trở về với thiên nhiên hoang sơ, hay chạm tới văn hóa hồn nhiên bản địa, nhưng nền tảng công nghệ vẫn đóng vai trò quan trọng để “dẫn dắt” họ một cách hài lòng nhất để tới nơi đây.

Những người bản địa kinh doanh mô hình nhỏ hay lớn mà muốn thành công cũng đều có được sự hỗ trợ của địa phương, của ngành du lịch, chính sách của nhà nước, có được sự tư vấn của các nhà chuyên môn để đưa vào vận hành mô hình một cách trơn tru nhất.
3. Khó khăn do khoảng cách địa lý của nhà đầu tư
Nhiều người trẻ ở các thành phố lớn nhận ra tiềm năng của mô hình này đã bỏ vốn thuê và đầu tư cơ sở vật chất, rồi thuê người quản lý, vì bản thân họ cũng không thể bỏ công việc chính của mình. Cũng có những người thành công thu về vài chục triệu tới cả trăm triệu mỗi tháng. Nhưng những rủi ro trong vận hành nếu phải thuê người quản lý có thể khiến một số homestay phải đóng cửa. Người được thuê không thể đảm bảo đủ các yếu tố cần thiết cho dịch vụ khách hàng, hoặc họ không đủ độ tin cậy khi là đầu mối nhận tiền thuê của khách và không quyết toán đầy đủ cho nhà đầu tư.
4. Nguồn vốn mỏng
Nguồn vốn để mở homestay không quá lớn như kinh doanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng hạng sang. Tuy nhiên cũng phải đầu tư ít nhất vài trăm triệu đồng nếu là cơ sở đi thuê. Kinh doanh du lịch mang tính chất mùa vụ, phụ thuộc cả vào thời tiết, phụ thuộc vào chính sách của nhà nước. Từ lúc mở ra tới lúc có nguồn thu ổn định, chủ đầu tư cần dự phòng giai đoạn rủi ro không có khách hàng. Như đợt đại dịch Covid vừa qua, hai năm ngành du lịch “ngủ đông”, và các chủ đầu tư homestay vốn mỏng chắc chắn đã bị lao đao, không duy trì được hoạt động kinh doanh nữa.

5. Không làm tốt khâu Marketing
Marketing luôn là một yếu tố cực kỳ quan trọng để thu hút khách đến với Homestay. Ngày nay các du khách thường search thông tin trên các ứng dụng đặt phòng, đại lý du lịch trên internet. Làm sao để xây dựng được hình ảnh tốt nhất về cơ sở kinh doanh cũng như chọn được kênh quảng bá phù hợp sẽ chiếm được niềm tin từ khách hàng. Nếu không làm tốt được khâu này thì không thể mong có được lượng khách hàng dồi dào được.
6. Yếu tố cạnh tranh
Mô hình homestay vài năm trở lại đây có sự bão hòa. Nhiều nơi giá đã bị hạ xuống mức thấp kỷ lục chỉ vài chục ngàn cho một phòng/đêm mà vẫn vắng khách. Quá nhiều người đầu tư ở một khu vực trong khi lượng khách hàng tiềm năng có hạn là một nguyên nhân.
Ngoài ra rủi ro còn đến từ việc các đối thủ nặng ký hơn xuất hiện và lấn lướt trên thị trường. Nếu không có các bước cải tiến đột phá và khác biệt thì chủ homestay có thể đối mặt với việc mất đi khách hàng.

6. Rủi ro từ phía khách hàng
Kinh doanh dịch vụ lưu trú là việc giao dịch tiếp xúc phục vụ cho cực kỳ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Tất nhiên cũng đa dạng về tính cách cho tới các yếu tố pháp lý. Chủ homestay có thể gặp những người khách không đàng hoàng về lý lịch, hoặc không thanh toán sòng phẳng. Rủi ro cháy nổ cũng được đặt ra nếu khách sử dụng bếp và các thiết bị điện nói chung. Rõ ràng, homestay cần sự quản lý sát sao, không thể lơ là.
7. Rủi ro bị đòi lại nhà giữa chừng
Có những trường hợp thực tế đã xảy ra, khi homestay đang vận hành tốt thì bỗng nhiên chủ nhà đòi…chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, vậy là uổng phí bao nhiêu công sức. Vì vậy, khi thuê đất xây dựng hay thuê cơ sở kinh doanh thì cần ký hợp đồng thuê dài hạn và ràng buộc chặt chẽ.
8. Các rủi ro khách quan khác
Dịch bệnh, giãn cách là những gì chúng ta đã chứng kiến hơn hai năm qua tác động như thế nào với ngành du lịch. Một quy định hạn chế xuất cảnh ở một thị trường truyền thống nước ngoài (như Trung Quốc, Nga,…) cũng ảnh hưởng rất lớn tới nguồn khách hàng.
Ngoài ra, thật là đen đủi nếu như homestay của bạn nằm trong diện quy hoạch và bị giải tỏa bởi quy định nhà nước.
Đó là một vài rủi ro khác trong thực tế có thể dẫn đến việc kinh doanh homestay thất bại.
Kinh doanh chưa bao giờ là đơn giản và dễ dàng “hái ra tiền”. Nhất là trong một ngành tưởng chừng “dễ ăn” như kinh doanh homestay. Từ 10 lý do thất bại kinh doanh homestay trên, đã cung cấp một góc nhìn khách quan hơn cho những người yêu thích mô hình này để có sự dự phòng rủi ro tốt hơn.