Christine Lagarde – chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB đang phải đối mặt với sự chia rẽ nội bộ, do có quá nhiều ý kiến trái chiều về phản ứng của chính sách tiền tệ với tình trạng lạm phát cao.
Cuộc họp quan trọng để xác định số phận của gói kích thích kinh tế sau đại dịch chỉ còn sáu tuần nữa sẽ diễn ra, với các ý kiến đang ở nhiều hướng khác nhau về việc liệu áp lực giá cả sẽ giảm dần hay tiếp tục tồn tại. Cuộc tranh luận diễn ra khi các nhà hoạch định chính sách toàn cầu cố gắng cân bằng rủi ro khi một làn sóng Coronavirus mới lây lan khắp châu Âu.
Nhận định của ECB về lạm phát
Theo nhận định của ECB, lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong thời gian dài hơn dự đoán trước đây, lạm phát sẽ chậm lại một khi chuỗi cung ứng phục hồi. Chủ tịch Christine Lagarde đã bác bỏ khả năng tăng lãi suất vào năm 2022 là “nằm ngoài dự tính.” Tuy nhiên, không phải tất cả 25 thành viên Hội đồng Thống đốc đều hoàn toàn đồng ý về triển vọng lạm phát.
Phó Chủ tịch Luis de Guindos cảnh báo về việc giá cao sẽ còn tiếp diễn: ” Không còn nghi ngờ gì nữa, lạm phát trong năm tới sẽ chậm lại. Nhưng cường độ và tốc độ suy giảm có thể không như những gì chúng tôi mong đợi vài tháng trước”. Bostjan Vasle của Slovenia đồng tình, trong khi Gabriel Makhlouf của Ireland nói rằng muốn hành động sớm hơn nếu cần thiết. Giá toàn cầu tăng cao đã thúc đẩy các ngân hàng trung ương từ New Zealand đến Mexico tăng lãi suất.
Ngay bên ngoài khu vực đồng euro, Ba Lan và Cộng hòa Séc đã gây bất ngờ với những đợt tăng giá lớn hơn dự kiến trong tuần này. Trong khi lạm phát khu vực đồng euro đã đạt 4% vào tháng 10, mà ECB dự báo sẽ chậm lại 1,5% vào năm 2023.
“Mặc dù lạm phát hiện tại đang tăng mạnh, triển vọng lạm phát trong trung hạn vẫn sẽ được kiểm soát” Lagarde cho biết hôm thứ Tư, bác bỏ mọi đặt cược của các nhà đầu tư về việc tăng lãi suất vào năm 2022.
Ngoài việc giúp giảm mức cược thị trường tiền tệ tăng lên 10 điểm cơ bản khi thắt chặt vào tháng 11 năm sau từ 20 điểm cơ bản một tuần trước, quan điểm của Lagarde nhận được nhiều sự ủng hộ từ các đồng nghiệp của cô.
Thành viên Ban điều hành Isabel Schnabel cho biết hôm thứ Năm rằng “Việc thắt chặt chính sách tiền tệ sớm sẽ làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế và nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ việc làm”. Các nhà hoạch định chính sách đã đồng ý vào tháng 10 rằng giá cả sẽ tăng vượt quá tốc độ trung bình trong năm tới, dù chưa thể thống nhất về mức giá cụ thể vào năm 2023. Các dự báo mới sẽ có vào tháng 12, khi ECB dự kiến thông báo kết thúc chương trình mua trái phiếu trên diện rộng trong năm tới.
Joerg Kraemer, nhà kinh tế trưởng tại Commerzbank AG cho biết:
“ECB có thể sẽ tiếp tục giữ nguyên đánh giá của mình trong thời điểm hiện tại và không tiến hành chuẩn hóa chính sách tiền tệ của mình. Ngay cả khi những nút thắt này tồn tại dai dẳng và tỷ lệ lạm phát do đó vượt quá kỳ vọng trong những tháng đầu năm tới, thì điều này cũng khó có thể làm lung lay bức tranh lạm phát của ECB”.
Theo Bloomberg