Kinh doanh đa cấp là một ngành phổ biến trên toàn thế giới và tại Việt Nam. Nó mang nhiều đặc điểm khác với kinh doanh truyền thống, đem lại nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, cơ hội việc làm và kiếm tiền cho các cá nhân khá hấp dẫn. Tuy nhiên có nhiều vấn đề cần lưu ý để tránh tình trạng bị lợi dụng và lừa đảo. Để hiểu đúng bản chất “kinh doanh đa cấp là gì?”, cách thức hoạt động của “mô hình kinh doanh đa cấp” chính thống, hợp pháp chuẩn là như thế nào? Bạn đọc hãy tham khảo bài viết sau đây nhé.
Kinh doanh đa cấp là gì ?
Kinh doanh đa cấp là gì? Đó là mô hình kinh doanh hoạt động dựa trên cơ sở tiếp thị đa cấp – MLM (Multi-Level-Marketing). Nó còn được gọi là tiếp thị trực tiếp (directselling) hay tiếp thị theo mạng (net work maketing).
Công ty hoạt động theo mô hình kinh doanh đa cấp bán sản phẩm cho người tiêu dùng qua các cá nhân là đại diện bán hàng độc lập. Khi bán sản phẩm chỉ bán qua mạng dưới các đại điện bán hàng là cá nhân. Người mua sẽ không tìm thấy các mặt hàng này ở cửa hàng bên ngoài hoặc siêu thị.
Cơ sở lập luận được các công ty MLM đưa ra đảm bảo cho sự thành công là:
Chất lượng hàng hóa tốt, giá trị sử dụng nổi trội và không tìm thấy sản phẩm giống hệt bán bên ngoài mạng lưới của họ.
Người bán chia sẻ thông tin sản phẩm với người khác theo cách truyền miệng.Thay vì sử dụng ngân sách lớn cho quảng cáo tiếp thị theo các kênh truyền thống khá là tốn kém thì số tiền ấy sẽ được dùng chi trả hoa hồng cho đại lý bán hàng.
Mô hình kinh doanh đa cấp
Nhà phân phối trong mạng lưới mô hình kinh doanh đa cấp không được trả lương cứng mà chỉ bán sản phẩm hưởng hoa hồng.
Họ có hai nhiệm vụ: Một là Bán sản phẩm cho những người bên ngoài, hai là Tuyển dụng mạng lưới các nhà phân phối ở trực tiếp dưới họ. Người vào tiếp theo lại bán hàng đồng thời tuyển dụng tiếp nữa sẽ tạo thành nhiều tầng nhiều cấp.
Người tuyến trên sẽ được hưởng hoa hồng dựa trên doanh số bán hàng của bản thân và một tỷ lệ nhỏ hơn, giảm dần đối với các tuyến dưới.
Công ty hoạt động theo mô hình kinh doanh đa cấp đưa ra bản kế hoạch trả thưởng chi tiết theo doanh số, phác thảo cách thức hoạt động của tuyến trên và tuyến dưới cũng như cách nhà phân phối được trả tiền. Các công ty đều có hoạt động đào tạo nhà phân phối để hiểu về sản phẩm, cách thức bán hàng, cách thức tuyển đại lý cấp dưới. Đại lý mới tham gia đều nhận được sự hỗ trợ từ công ty và các tuyến trên của mình hướng dẫn họ làm quen và dần trở nên thành thạo.
Tại Việt Nam, quy định pháp luật chỉ cho phép kinh doanh theo mô hình đa cấp sản phẩm hàng hóa hữu hình. Một số loại hàng hóa sẽ bị loại trừ: Thuốc, trang thiết bị y tế, các loại thuốc thú y, bảo vệ thực vật, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, các loại hóa chất nguy hiểm. Sản phẩm nội dung thông tin số được lưu trữ truyền tải trên môi trường internet.
Không được kinh doanh theo mô hình kinh doanh đa cấp với: Tất cả các dịch vụ, hoạt động huy động vốn đầu tư vào dự án, tiền ảo, thương mại điện tử,…
Lưu ý quan trọng !
Mô hình kinh doanh đa cấp chính thống chú trọng vào doanh số bán hàng. Không bắt buộc người mới tham gia phải mua sản phẩm của công ty, cũng như không bắt buộc phải tuyển dụng tuyến dưới. Có một quy tắc là: ít nhất 70% doanh số hàng hóa bán ra phải được mua bởi những người không phải nhà phân phối.
Phân biệt mô hình kinh doanh đa cấp chính thống và các mô hình bất hợp pháp
Mô hình kinh doanh đa cấp chính thống dựa trên MLM (Multi – Level – Marketing) thì chỉ có một và cũng tồn tại đã lâu trên thế giới.
Tại Việt Nam, có môt thực trạng là “kinh doanh đa cấp” dường như được nhắc đến không mấy thiện cảm, tạo tâm lý cảnh giác. Thực tế nhiều người đã mất tiền, đã bị lừa…gây ra các vấn đề xã hội tiêu cực.
Lý do ở đâu? Vì nhiều người không tìm hiểu rõ để phân biệt đâu là kinh doanh đa cấp hợp pháp và đâu là bất hợp pháp nên mắc lừa. Các mô hình na ná như MLM nhưng bản chất là “lừa đảo”: Mô hình Kim Tự Tháp hoặc Mô hình Ponzi.
Mô hình kim tự tháp bất hợp pháp
Mô hình kim tự tháp chú trọng vào tuyển dụng người mới. Người mới được hứa hẹn về lợi nhuận bằng cách giới thiệu thêm người gia nhập. Ngoài ra còn yêu cầu người mới phải mua sản phẩm của công ty. Có thể hàng hóa không thực sự chất lượng và dễ tiêu thụ hoặc giá đắt nhưng họ vẫn phải mua. Cũng có những công ty thực sự không cung cấp sản phẩm dịch vụ nào cả mà chỉ duy trì dựa trên số tiền thu được từ việc tiếp nhận thêm người mới.
Bằng phương pháp lấy tiền của người tầng dưới để trả hoa hồng cho người tầng trên, càng ngày càng có nhiều người phải tham gia vào quy trình đó mà bản chất không mang lại giá trị. Như vậy, những người ở trên đỉnh tháp là người thu được lợi nhuận nhiều nhất, còn những người ở các tầng dưới cùng đều là người bị thiệt hại. Mô hình này cuối cùng tất yếu sẽ sụp đổ.
Mô hình Ponzi lừa đảo
Mô hình Ponzi – là mô hình mà Charles Ponzi – một kẻ lừa đảo người Ý sống ở Bắc Mỹ đã nghĩ ra vào đầu những năm 1920. Trong hơn một năm đã chiếm đoạt được từ hàng trăm nạn nhân với số tiền rất lớn. Bản chất là huy động đầu tư và hứa hẹn trả lợi nhuận cao. Ví dụ một người đóng vào 1000$ và sau đó nhận được 10% lợi nhuận sau một chu kỳ đầu tư ví dụ 90 ngày.
Bằng cách lấy tiền của người đến sau trả cho người đến trước, hệ thống thì buộc phải mở rộng để có tiền chi trả cho những người trước. Những người đến sau cùng sẽ không nhận được một xu nào cả. Và người khởi xướng hoặc sẽ biến mất không dấu vết trong một ngày đẹp trời cùng với số tiền đã lừa được hoặc bại lộ thì sẽ bị bắt và truy tố.
Đặc trưng của mô hình Ponzi là thu hút tiền để đầu tư từ các cá nhân, hứa hẹn được trả lãi suất cao.
Dấu hiệu nhận biết mô hình kinh doanh đa cấp lừa đảo
Trước những sự phức tạp của các mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng. Người tham gia cần phải thận trọng. Có thể căn cứ vào các dấu hiệu sau để nhận biết mô hình đa cấp bất chính:
Dấu hiệu 1: Người tham gia phải mua một lượng hàng hóa ban đầu hoặc phải đóng tiền để được tham gia vào mạng lưới.
Dấu hiệu 2: Không có hàng hóa để giao. Hoặc giao hàng xong nhưng không cam kết mua lại hàng hóa (pháp luật quy định công ty phải mua lại hàng của nhà phân phối theo thời gian quy định giá không thấp hơn 90%)
Dấu hiệu 3: Hưởng hoa hồng từ việc tuyển dụng người khác tham gia, đóng tiền, người mới vào mua hàng trực tiếp mà không phải hoa hồng đến từ doanh thu hàng hóa sản phẩm mà các nhà phân phối bán được(chủ yếu cần phải bán ra bên ngoài cho những người không tham gia mạng lưới).
Dấu hiệu 4: Cung cấp thông tin không đúng, quảng cáo sai sự thật không có căn cứ để thuyết phục người khác tham gia.
Dấu hiệu 5: Khuyến khích tuyến dưới tuyển người bằng việc hứa hẹn trả tiền thưởng. Hối thúc người tham gia mua nhiều hàng dù biết khả năng sẽ không bán được.
Dấu hiệu 6: Sản phẩm không chất lượng, bị thổi phồng về tác dụng của nó và giá đắt quá so với giá trị thực.
Dấu hiệu 7: Doanh nghiệp không có đầy đủ giấy tờ pháp lý. Hoặc có giấy tờ nhưng hoạt động sai so với được cấp phép.
Mô hình kinh doanh đa cấp trên thế giới
Trên thế giới kinh doanh đa cấp xuất hiện từ năm 1935 tại Hoa Kỳ với công ty Vitamin Product Company. sau được đổi tên thành Nutrilite Products. Từ đó đến năm 1979 chỉ có khoảng 30 công ty kinh doanh theo mạng ra đời tại Mỹ.
Tới năm 1979 bộ luật kinh doanh đa cấp ra đời công nhận chính thức loại hình này. 1979-1990 là thời kỳ bùng nổ với hàng trăm công ty được thành lập mỗi ngày và hàng ngàn sản phẩm.
Từ năm 1990 nhờ công nghệ phát triển nên việc bán hàng đa cấp trở nên dễ dàng hơn. Ai cũng có thể sử dụng thời gian rảnh của mình để tham gia công việc kiếm thêm thu nhập. Thậm chí các nhãn hàng truyền thống như Ford, Colgate, Coca-cola cũng bắt đầu áp dụng kinh doanh theo mạng để phân phối một số mảng sản phẩm của mình.
Ngày nay nổi tiếng với Mô hình kinh doanh đa cấp có thể nhắc tới là Amway, Avon, Nuskin, Herbalife, Tupperware,…và ngành kinh doanh đa cấp cũng đóng góp doanh thu đáng kể trong nền kinh tế toàn cầu.
Kinh doanh đa cấp tại Việt Nam
Xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 1999-2000, tính tới hết năm 2020 có 22 doanh nghiệp bán hàng đa cấp được cấp giấy chứng nhận. Doanh thu 15.400 tỷ đồng và tổng số lượng người tham gia hơn 800.000 người, nộp thuế cho nhà nước hơn 1.800 tỷ đồng trong năm 2020. Những công ty kinh doanh đa cấp ở Việt Nam nổi bật với các thương hiệu Amway, Herbalife, Nu skin, Oriflame, Unicity,…
Việt Nam nằm trong Top 5 thị trường thế giới tăng doanh thu nhanh nhất năm 2019, số người tham gia đứng thứ 5 Đông Nam Á.
Tiềm năng của ngành kinh doanh đa cấp tại Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là còn rất lớn với dân số 100 triệu dân và thu nhập trung bình ngày càng được cải thiện. Phát triển kinh doanh đa cấp mang lại lợi ích cho nền kinh tế, tạo công việc làm và thu nhập chính đáng cho người dân.
Trên đây là một số kiến thức chia sẻ về mô kinh kinh doanh đa cấp, kinh doanh đa cấp là gì và các vấn đề liên quan. Hy vọng đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích.