Thật khó tưởng tượng một người sống vô gia cư có thể thực hiện một cú nhảy vọt, trở thành một tỷ phú Mỹ. Nhưng chuyện gì cũng có thể xảy ra và phép màu nào cũng có thể trở thành hiện thực.
John Paul DeJoria – hai lần trở thành người vô gia cư, bị vợ bỏ, sống vất vưởng với con thơ nơi đường phố, phải đi gõ cửa từng nhà để bán dầu gội đầu hay từ điển bách khoa, giờ đây đã trở thành tỷ phú Mỹ.
Hiện tại, khối tài sản của John Paul ước tính vào khoảng 4 tỷ USD. Ông sở hữu một trong những thương hiệu chăm sóc tóc có lợi nhuận nhất trên thế giới Paul Mitchell với doanh thu bình quân hàng năm là 1 tỷ USD. Đồng thời, công ty rượu tequila Patrón Spirits của DeJoria cũng phát triển mạnh, mỗi năm bán được hơn 2 triệu thùng. Với quyết định thay đổi chiến lược kinh doanh, thương vụ bán lại hãng rượu Patrón với giá 5,1 tỷ USD vừa qua đã đưa tên tuổi vị tỷ phú Mỹ vang danh khắp thế giới.
Lúc này, người ta quan tâm nhiều hơn đến những triết lý kinh doanh đã làm nên tên tuổi John Paul, một nhân vật tiêu biểu trong những câu chuyện về “Giấc mơ của người Mỹ”
Khởi đầu với tuổi thơ nghèo khó
John Paul DeJoria sinh năm 1944, là con trai thứ trong một gia đình nhập cư, bố cậu là người Italy còn mẹ là người Hy Lạp. Năm 2 tuổi, cha mẹ cậu ly hôn và từ năm 9 tuổi, John Paul phải đi gõ cửa từng nhà bán báo cùng thiệp mừng Giáng sinh để phụ giúp gia đình.Bất chấp điều đó, mẹ cũng không thể nuôi nổi hai anh em và cậu bị gửi tới trại vị thành niên. Khi đó, DeJoria gia nhập băng đảng đường phố như bao thanh thiếu niên nghèo thời bấy giờ.
Một giáo viên dạy toán của trung tâm giáo dục nói rằng cậu sẽ chẳng bao giờ thành công ở bất cứ thứ gì trong cuộc sống. Cảm thấy xấu hổ và tủi nhục, cậu thầm hứa sẽ thay đổi bản thân và số phận.
Dù vậy, cuộc sống không dễ dàng trong một sớm một chiều. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 năm 1962, DeJoria gia nhập Hải quân Mỹ 2 năm, rồi bươn chải cuộc sống bằng rất nhiều nghề. Năm 22 tuổi, vợ DeJoria rời bỏ và để lại đứa con trai 2 tuổi rưỡi. Bà còn bí mật lấy hết tiền thuê nhà mấy tháng và chiếc xe duy nhất mà họ có. Hai ngày sau đó, DeJoria và đứa trẻ bị đuổi khỏi nhà, phải sống lang thang trên đường phố.
Đây là một trong những quãng thời gian khó khăn nhất của chàng thanh niên trẻ. Ban ngày, anh lăn lộn với công việc ở trạm bơm xăng, sửa chữa xe, lao công, bán máy photocopy, bảo hiểm hay thậm chí đi gõ cửa từng nhà để bán sách. Đêm đến, anh và đứa con sống vạ vật qua ngày ở bất cứ đâu có thể.
Mặc dù sống trong môi trường hỗn loạn của nước Mỹ thập niên 1960 với những băng đảng, buôn rượu lậu, tham nhũng… nhưng điểm sáng ở chàng thanh niên trẻ là anh quyết không gia nhập băng đảng hay đi theo con đường tội lỗi như trước.
Khi nhớ về quãng thời gian này, DeJoria không hề thấy tuyệt vọng mà cho biết cuộc sống vô gia cư đã giúp ông học cách sống tiết kiệm như thế nào:
“Tôi ngủ trong xe hơi và tắm rửa tại hồ bơi công viên Griffith Park. Tôi thường đến quán Freeway Café tại Los Angeles bởi chỉ với 0,99 USD bạn có thể mua 1 quả trứng, 1 mẩu bánh mì, 1 miếng xúc xích và 1 cốc nước. Tầm 4h30-5h30 chiều tôi hay đến quán El Torido bởi chỉ với 0,99 USD bạn có thể gọi 1 cánh gà kèm 1 ly đồ uống”
Số phận mỉm cười – Từ những chai dầu gội đầu
DeJoria tìm thấy cơ hội của mình khi làm nhân viên bán hàng cho Redken Laboratories, ông được cất nhắc lên làm quản lý vào năm 1971. Đáng tiếc, chỉ 1 năm rưỡi sau đó, DeJoria bị sa thải do bất đồng quan điểm về chiến lược kinh doanh của Redken. Tuy nhiên, ông vẫn miệt mài trong mảng bán sản phẩm chăm sóc tóc và dầu gội dầu.
Huyền thoại về DeJoria chính thức bắt đầu vào năm 1980, khi ông cùng người bạn Paul Mitchell thành lập nên hãng John Paul Mitchell Systems với số vốn vay vỏn vẹn 700 USD.
Tuy vậy, mọi thứ không hề suôn sẻ, ban đầu cả 2 đã gọi vốn được 500.000 USD nhưng nhà đầu tư đó đã suy nghĩ lại và từ bỏ vào phút cuối bởi tình trạng kinh tế thời đó rất ảm đạm, lạm phát lên đến hơn 12% trong khi lãi suất là 17%. Việc kinh doanh cũng không hề thuận lợi khi công ty của DeJoria đã gần như phải tuyên bố phá sản ít nhất 50 lần trong năm đầu tiên.
Dù vậy, DeJoria vẫn miệt mài với công việc và cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh. Sang năm thứ 3, công ty của ông cuối cùng đã đem về 1 triệu USD doanh thu đầu tiên và sang năm thứ 5 là 10 triệu USD. Doanh thu của John Paul Mitchell Systems chính thức đạt 1 tỷ USD vào năm 2015.
Với việc gặt hái được thành công trong mảng kinh doanh đầu tiên, DeJoria không hề dừng lại. Ông vẫn chăm chỉ, miệt mài làm việc với nhiều ngành khởi nghiệp khác, từ rượu, năng lượng mặt trời cho đến khí đốt, phim ảnh…
Thương vụ đầu tư vào Patron Spirits chuyên kinh doanh rượu cùng Martin Crowley cũng tạo ra cho DeJoria sự thành công vượt bậc. Năm 2017, Patron có doanh thu 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên DeJoria sau đó đã quyết định rút chân khỏi lĩnh vực này, ông bán 70% số cổ phần của mình trong hãng cho Bacardi với giá 5,1 tỷ USD bằng tiền Mặt.
25 năm trước, Dejoria là một người vô gia cư, phải đi gõ cửa từng nhà để bán hàng hay sống vất vưởng với con thơ nơi đường phố, nhưng giờ đây, vị tỷ phú đang sống ở mảnh đất trị giá 50 triệu USD ở Malibu với tất cả những thứ mà một người đàn ông có thể mong đợi: xe phân khối lớn, xe hơi và máy bay riêng.
Sự thành công và những trải nghiệm của DeJoria được giới kinh doanh cùng các nhà đầu tư khá kính phục. Từ năm 2013, ông được mời làm khách cho chương trình Shark Tank của đài ABC. Với khoản tài sản 3,1 tỷ USD, chưa tính thương vụ Patron, DeJoria là Shark giàu thứ 3 của chương trình mùa đó sau Mark Cuban (3,3 tỷ USD) và Richard Branson (5,1 tỷ USD).
Nhưng John Paul DeJoria không chỉ là một tỷ phú
Một điểm đặc biệt ở vị tỷ phú là với mỗi quyết định kinh doanh, ông không chỉ nghĩ liệu sẽ kiếm bao nhiêu tiền mà còn sẽ giúp ích thế nào cho người khác. Mỗi quyết định kinh doanh luôn đi đôi với một quyết định thiện nguyện.
Khi bắt đầu John Paul Mitchell Systems, DeJoria tin rằng mình sẽ phải giúp đỡ những thanh niên ở trong thành phố.
Khi chi hàng triệu USD để mua 350 căn nhà trên hòn đảo Barbuda ở Caribbean, xây dựng một khu nghỉ dưỡng sinh thái 100 phòng và sân đánh golf, DeJoria đã hy vọng sẽ mang đến ít nhất 700 công việc toàn thời gian cho người dân nơi đây.
Ông nói:
“Mỗi một căn trong 350 ngôi nhà được xây dựng sẽ cần hai người làm vườn và một quản gia. Vì thế, mỗi căn nhà sẽ cung cấp ít nhất ba đầu việc. Khu nghỉ dưỡng và sân golf cũng cần rất nhiều nhân viên và chúng tôi sẽ huấn luyện người dân có thể đảm trách những vị trí này”
Khi tuyển dụng hơn 1.000 người lao động địa phương làm trong công ty rượu ở Mexico, người đàn ông không quên chi tiền hỗ trợ giáo dục và nhà ở cho trẻ mồ côi tại đây.
Giờ đây, khi đã trở nên giàu có và nổi tiếng, vị tỷ phú vẫn làm việc chăm chỉ với mong muốn trả lại cho xã hội, ông cùng nam tài tử Brad Pitt giúp đỡ những người vô gia cư, cứu lấy động vật và môi trường thông qua các tổ chức như Sea Shepherd.
Ông nói về sự giàu có của bản thân một cách giản dị:
“Sự giàu có làm tôi thay đổi rất nhiều, bởi vì tôi không còn phải trằn trọc mỗi tối khi vẫn lo lắng về những hoá đơn chưa thanh toán”
“Tôi đã trải qua thời kỳ khó khăn trong đời. Điều đó khiến tôi cảm thấy may mắn khi bây giờ sung túc và có điều kiện giúp đỡ người khác. Tôi rất vui vì điều đó. Đây là cách tôi trả ơn cho đời và chia sẻ với những người ít may mắn hơn”.
Với việc duy trì nguyên tắc sống của mình, kể từ khi lập ra công ty Paul Mitchell vào năm 1980, chỉ có 100 nhân viên của công ty xin nghỉ và 2 trong số đó là nghỉ hưu.