Thị trường chứng khoán không thực sự đáng sợ như bạn nghĩ. Nếu bạn chủ động tìm hiểu kỹ càng, biết lựa chọn thời cơ và có chiến lược đầu tư, bạn có thể dễ dàng thu được lợi nhuận về lâu dài, hay thậm chí là trở nên giàu có nhờ đầu tư chứng khoán.
Bạn chưa bao giờ làm điều này trước đó, bạn cảm thấy đầu tư rất đáng sợ vì những rủi ro mà nó mang lại, bạn không biết mình cần phải làm những gì,… Dĩ nhiên lợi nhuận bao giờ cũng đi kèm với rủi ro. Hãy để The Mastro chuẩn bị cho bạn những kiến thức đầy đủ kết hợp với những nguồn lực mà bạn đang có để tạo ra sự kết hợp đầu tư phù hợp.
BƯỚC 1: CHUẨN BỊ
Trước khi bỏ tiền ra để đầu tư, điều đầu tiên bạn cần nắm chắc là những khái niệm, kiến thức cơ bản về chứng khoán.
1 – Chứng khoán là gì?
Theo Khoản 1 Điều 4 của Luật Chứng khoán 2019, chứng khoán là tài sản, bao gồm:
- Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ
- Chứng quyền, chứng quyền có đảm bảo, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký
- Chứng khoán phái sinh
- Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.
“Đầu tư chứng khoán” thông thường được hiểu là “đầu tư cổ phiếu”. Tuy nhiên, trên thực tế bạn cũng có thể mua chứng quyền, chứng quyền có đảm bảo hoặc chứng khoán phái sinh… cũng được hiểu là đầu tư chứng khoán.
2 – Cổ phiếu là gì?
Theo Khoản 2 Điều 4 của Luật Chứng khoán năm 2019,
Cổ phiếu là loại chứng khoán, được phát hành dưới dạng chứng chỉ, hoặc bút toán ghi sổ, xác nhận quyền sở hữu cổ phần và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khi tham gia vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Người nắm giữ cổ phiếu sẽ trở thành cổ đông của công ty và đồng thời sở hữu tương ứng với lượng cổ phiếu mà bạn mua bằng giấy chứng nhận của công ty phát hành.
Hiện tại có 2 dạng cổ phiếu được phát hành:
3 – Lợi nhuận đầu tư cổ phiếu đến từ đâu?
Khi đầu tư chứng khoán, bạn có thể hưởng lợi nhuận từ mức chênh lệch giá mua vào và bán ra hoặc hưởng từ cổ tức.
Hưởng chênh lệch giá (giữa giá mua và giá bán): Khi bạn mua/bán cổ phiếu, lợi nhuận của bạn thu được sẽ được tính bằng công thức:
Lãi/lỗ = (Giá bán – Giá mua) * Số lượng cổ phiếu – (Thuế + Phí giao dịch)
Ví dụ: Số lượng cổ phiếu bạn mua là 10.000 cổ phiếu; Với giá mua: 20.000 VNĐ/cổ phiếu và giá bán 30.000 VNĐ/cổ phiếu; Giá trị giao dịch là 0.1% áp dụng với giao dịch bán; Mức phí giao dịch: 0,15% giá trị giao dịch.
Khi đó, bạn sẽ tính như sau:
- Phí giao dịch mua: 10.000 * 20.000 * 0,15% = 300.000 VNĐ
- Phí giao dịch bán: 10.000 * 30.000 * 0,15% = 450.000 VNĐ
- Thuế phải trả: 10.000 * 30.000 * 0,1% = 300.000 VNĐ
Do đó, lợi nhuận bạn thu được sẽ là: (30.000 – 20.000) * 10.000 – (300.000 + 300.000+ 450.000) = 98.950.000 VNĐ.
Hưởng cổ tức (bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu): Cổ tức là khoản lợi nhuận ròng trả cho mỗi cổ phần, bằng tiền mặt hoặc tài sản khác từ nguồn lợi nhuận được giữ lại của công ty, sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ về tài chính.
Ví dụ: Nếu công ty trả cổ tức 2.000 VNĐ/cổ phiếu và bạn đang có 10.000 cổ phiếu, thì bạn sẽ nhận được 20.000.000 VNĐ tiền cổ tức sau khi công ty kinh doanh có lãi.
BƯỚC 2: THỰC HÀNH
1 – Cách mở tài khoản chứng khoán
Hiện nay để mở tài khoản, bạn có thể thực hiện theo hai cách hoặc đến trực tiếp chi nhánh và phòng giao dịch của công ty chứng khoán, mang theo chứng minh nhân dân hoặc căn cước còn hiệu lực. Hoặc bạn có thể tự mở tài khoản tại nhà bằng hình thức trực tuyến.
Tuỳ thuộc vào từng đơn vị chọn mở tài khoản, bạn truy cập vào website hoặc tải ứng dụng của công ty chứng khoán để mở tài khoản. Một số công ty chứng khoán định danh khách hàng trực tuyến bằng cách yêu cầu nhận diện khuôn mặt bằng camera máy tính hoặc điện thoại. Điều bạn cần làm là điền thông tin theo từng bước hướng dẫn trên website đăng ký.

Bạn cần chuẩn bị: CMND/CCCD và điện thoại di động nhận mật khẩu OTP và các thông tin cơ bản như: họ tên, số điện thoại, email, địa chỉ, tài khoản ngân hàng – để nhận chuyển tiền từ tài khoản chứng khoán khi muốn rút tiền.
Để hoàn tất hồ sơ: bạn sẽ nhận được thêm email từ công ty chứng khoán yêu cầu hoàn tất thêm hồ sơ để cập nhật đầy đủ tính năng cho tài khoản. Sau đó, bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm hai bản cứng đăng ký mở tài khoản và sử dụng dịch vụ giao dịch chứng khoán đã ký tên đầy đủ cùng với một bản photo CMND/CCCD, gửi đến địa chỉ phòng giao dịch của công ty chứng khoán. Điều này được các công ty gia hạn trong một khoảng thời gian nhất định, hãy chú ý deadline để tài khoản của mình không bị gián đoạn giao dịch.
Ngay sau khi mở được tài khoản bạn sẽ được cung cấp số tài khoản và hướng dẫn chuyển tiền. Tài khoản chuyển đến là tài khoản của công ty chứng khoán mở tại 1 ngân hàng mà bạn lựa chọn. Thông tin này sẽ có trong hướng dẫn chuyển tiền. Bạn có thể bắt đầu mua/ bán từ 500.000 VNĐ.
2 – Những quy định cần chú ý trước khi mua bán cổ phiếu
Tại Việt Nam hiện tại có 3 sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất là HOSE, HNX, và UpCoM. Các sàn đều mở cửa vào các ngày làm việc trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6, trừ những ngày lễ, Tết. Thời gian giao dịch trong ngày từ 9:00 sáng đến 14:45. Trong đó có khoảng thời gian nghỉ trưa từ 11:30 sáng đến 1:00 chiều.
Phiên | Phương thức giao dịch | Giờ giao dịch |
Sáng | Khớp lệnh định kỳ | 09:00 – 09:15 |
Khớp lệnh liên tục | 09:15 – 11:30 | |
Nghỉ trưa | 11:30 – 13:00 | |
Chiều | Khớp lệnh liên tục | 13:00 – 14:30 |
Khớp lệnh định kỳ | 14:30 – 14:45 |
Phiên khớp lệnh định kỳ: Với mục đích của phiên để xác định mức giá mở cửa và mức giá đóng cửa của 1 ngày giao dịch.
Trong các phiên giao dịch này, mức giá mở/đóng cửa được xác định dựa trên mức giá mà tại đó khối lượng khớp lệnh là lớn nhất. Các lệnh ATO (At-the-open) và ATC (At-the-close) sẽ được sử dụng trong phiên khớp lệnh định kỳ. Đây là 2 loại lệnh chỉ có khối lượng mà không có mức giá cố định, và được ưu tiên khớp trước tất cả những loại lệnh khác.
Các lệnh mua/bán sẽ không được khớp ngay khi được nhập vào trong phiên khớp lệnh định kỳ mà phải chờ khi kết thúc 15 phút nhập lệnh. Giá tham chiếu chính là giá đóng cửa của phiên giao dịch liền trước đối với 2 sàn HOSE và HNX.
Phiên khớp lệnh liên tục: Ngược lại với phiên khớp lệnh định kỳ, các lệnh mua/bán sẽ được khớp ngay lập tức sau khi nhập vào hệ thống. Loại lệnh được sử dụng nhiều nhất là lệnh LO (lệnh giới hạn, limited order). Lệnh LO là lệnh yêu cầu mua hoặc bán tại 1 mức giá xác định (mức giá bạn đặt) hoặc TỐT HƠN.
Ngoài lệnh ATO, ATC và lệnh LO thì còn một số loại lệnh cũng được sử dụng trong phiên khớp lệnh liên tục như MP, MTL, MOK, MAK… Tuy nhiên với người mới bắt đầu thì chỉ cần hiểu và biết cách sử dụng 3 loại lệnh ATO, ATC và LO là đủ.
3 – Cách xem và phân tích bảng chứng khoán
Màu vàng | Màu của mức giá tham chiếu |
Màu tím | Màu của mức giá trần |
Màu xanh lam | Màu của mức giá sàn |
Màu xanh lá cây | Áp dụng khi mức giá khớp lệnh đang CAO HƠN giá tham chiếu |
Màu đỏ | Áp dụng khi mức giá khớp lệnh đang THẤP HƠN giá tham chiếu |
Giá tối đa (giá trần) và giá tối thiểu (giá sàn) cho phép được mua/bán trong phiên giao dịch ngày hôm đó. Quy định về giá trần và giá sàn ở mỗi sàn là khác nhau, như đối với sàn HOSE, giá trần và giá sàn được tính +- 7% so với giá tham chiếu. Hay +-7% là biên giao dịch tối đa cho phép ở sàn HOSE. Còn với sàn HNX, con số này là +-10%.

Ngoài ra còn 2 thông tin rất quan trọng khác trên bảng giá mà bạn cần để ý bao gồm:
Chỉ số thị trường: giúp bạn có góc nhìn tổng quan về toàn bộ thị trường. Cả thị trường đang tăng hay giảm, khối lượng giao dịch, giá trị giao dịch như thế nào. Các chỉ số thông dụng như ví dụ như: Chỉ số tập hợp tất cả các cổ phiếu giao dịch trên sàn HOSE (VN-Index; VN30-Index); hay tương tự với sàn HNX (HNX-Index; HNX30-Index); và chỉ số UPCOM (chỉ số tập hợp tất cả CP giao dịch trên sàn UPCOM)…
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN): Dòng tiền từ NĐTNN ảnh hưởng rất lớn đến biến động giá cổ phiếu ở Việt Nam. Vì thế hoạt động mua/bán của NĐTNN rất quan trọng đối với cổ phiếu mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn thấy cổ phiếu đó được NĐTNN mua vào với khối lượng lớn liên tục trong nhiều ngày, có vẻ đó là 1 dấu hiệu tích cực. Ngược lại, nếu NĐTNN liên tục bán, hãy cẩn thận và tìm hiểu kỹ xem điều gì đang xảy ra.
BƯỚC 3: THỰC CHIẾN
Sau khi bạn đã có 1 tài khoản giao dịch, bạn đã hiểu về luật chơi cũng như biết cách xem bảng giá… Tiếp đến bạn cần phải trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức tối thiểu, để tìm kiếm được cổ phiếu tốt.
1 – Luôn cập nhật tin tức
Bạn cần cập nhật tin tức về cổ phiếu, thị trường tài chính thường ngày thông qua các trang báo. Ngoài ra, những file dữ liệu phân tích báo cáo tài chính (dạng excel, pdf) của doanh nghiệp cùng là một nguồn cần quan trọng mà bạn nên để tâm. Và hầu hết các thị trường chứng khoán đều hỗ trợ vấn đề này. Từ đó, bạn có thể theo dõi thường xuyên các chỉ số quan trọng của cổ phiếu như: Những ước lượng, dự báo về kết quả kinh doanh, Cổ tức, Định giá, Tăng trưởng, Hiệu suất cổ phiếu, Xu hướng, Khả năng sinh lời của cổ phiếu,….

2 – Chọn lọc cổ phiếu
Trên thực tế, nếu bạn muốn làm giàu từ chứng khoán, bạn sẽ cần xây dựng cho mình phương pháp chọn lọc cổ phiếu tốt, đây là điều mà bất kỳ một nhà đầu tư chuyên nghiệp nào đều có.
Thông thường sẽ có 2 trường phái đầu tư:
- Phân tích kỹ thuật
- Phân tích cơ bản
Hiện tại trên thị trường có 2 chiến lược chọn lọc cổ phiếu đang được áp dụng rất phổ biến là: Phương pháp lọc siêu cổ phiếu CANSLIM; và Phương pháp 4M lấy ý tưởng từ trường phái đầu tư giá trị của Warren Buffett.
Phương pháp lọc siêu cổ phiếu CANSLIM: Đây là một chiến lược giao dịch thị trường tăng giá do phù thủy Phố Wall – William J. O’Neil tạo ra để xác định các cổ phiếu tăng trưởng cao trước khi tạo ra mức tăng giá lớn nhất của chúng bằng cách sử dụng bảy tiêu chí.

Phương pháp 4M: Phil Town đã đúc kết 20 năm kinh nghiệm thành 4 tiêu chí với một góc nhìn tương đối đơn giản về đầu tư cổ phiếu, cộng với việc kế thừa ý tưởng từ trường phái đầu tư giá trị của Warren Buffett. Phil đã tạo động lực cho hàng ngàn nhà đầu tư cá nhân tại Mỹ tự bắt đầu việc đầu tư của mình, thay vì ủy thác cho các quỹ tương hỗ với chi phí đắt đỏ mà không thực sự hiệu quả.

3 – Hãy biến cổ phiếu thành khoản đầu tư chính của bạn
Bạn không nhất thiết phải dồn hết số tiền mà mình có vào cổ phiếu, nhưng rõ ràng cổ phiếu nên là khoản đầu tư chính trong danh mục đầu tư của bạn nếu bạn muốn làm giàu từ nó. Một nguyên tắc nhỏ cần sử dụng để xác định tỷ lệ phần trăm danh mục đầu tư của bạn nên có trong cổ phiếu là “lấy 120 trừ đi số tuổi của bạn”.
Ví dụ: nếu năm nay bạn 30 tuổi, 90% danh mục đầu tư của bạn nên được đầu tư vào cổ phiếu (120 – 30 = 90%). Khi bạn bước sang tuổi 40, vị thế cổ phiếu của bạn nên giảm xuống còn 80%; nó sẽ tiếp tục giảm xuống còn 70% khi bạn 50 tuổi. Nhưng ngay cả khi bạn 55 tuổi, bạn vẫn nên đầu tư vào cổ phiếu với 55% trên tổng danh mục đầu tư.
Khi lấy 120 trừ đi tuổi của bạn có tác dụng điều chỉnh danh mục đầu tư của bạn theo hướng thận trọng hơn khi bạn già đi. Cho dù bạn ở độ tuổi nào, bạn vẫn cần phân bổ cổ phiếu hợp lý để danh mục đầu tư của bạn vượt qua lạm phát.
Và tất nhiên, khi bạn già đi và việc phân bổ cổ phiếu thấp hơn, vị thế trái phiếu / tiền mặt của bạn sẽ dần tăng lên. Điều này sẽ giúp giảm bớt sự biến động trong danh mục đầu tư của bạn, điều này là cần thiết vì bạn sẽ có ít thời gian hơn để phục hồi sau sự sụt giảm của thị trường.
Khi hoàn thành những bước trên, nếu may mắn, bạn đã bắt đầu có lãi 15 – 20% ở một vài cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu bạn muốn trở thành một nhà đầu tư chứng khoán thực thụ và muốn kiếm tiền lâu dài, bạn sẽ cần học thêm cách phân tích và định giá cổ phiếu. Hãy truy cập thêm nhiều bài viết khác của The Mastro để tích thêm kinh nghiệm cũng như lựa chọn ra được phương pháp đầu tư của chính mình. Chúc bạn thành công!