Hiện tượng lừa đảo qua các khoản vay cá nhân đối với người cần tiền diễn ra càng ngày càng tinh vi với nhiều hình thức. Nhiều người không cập nhật thông tin, nghĩ đơn giản, mất cảnh giác nên đã bị lừa. Sau khi nhận thiệt hại mới đi trình báo cơ quan có thẩm quyền thì cũng không khắc phục được hậu quả. Vậy cách nhận biết một số hình thức lừa đảo này như thế nào?
Hình thức lừa đảo các khoản vay cá nhân phổ biến
1. Các cá nhân/tổ chức lừa đảo yêu cầu nộp hồ sơ vay nhưng không giải ngân được lại mất thêm tiền
Nhiều người có nhu cầu vay và tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Không may họ gặp phải những “cây lừa”. Bọn chúng có thể mạo danh ngân hàng, tổ chức tài chính bằng cách cung cấp các Website hay App cho vay tiền có tên “na ná” giống với tổ chức chính thống, với logo và hệ thống nhận diện thương hiệu thay đổi chút ít. Những đối tượng này thậm chí làm ra các quyết định duyệt vay giả con dấu của ngân hàng – công ty tài chính để người vay tin tưởng. Người tiếp cận với khách hàng giả danh nhân viên tín dụng tư vấn cũng khá “chuyên nghiệp” và “đầy đủ”.
Hoặc những kẻ đi lừa tạo ra các mô hình như công ty cho vay, tạo website/App với các bước tư vấn, thu thập thông tin và hồ sơ tương tự như các bên cho vay nghiêm chỉnh.
Với những người kém hiểu biết hơn, thậm chí mô hình của các siêu lừa này vô cùng đơn giản. Bằng các hội nhóm trên mạng xã hội, hoặc liên hệ trực tiếp cũng có thể lôi kéo người ta cung cấp thông tin, nộp hồ sơ vay vốn.
Đoạn kết của chiêu trò này đó là: Người đi vay vốn được cam kết cho vay một số tiền. Nhưng phải chuyển khoản cho bên cho vay một khoản trước gọi là chứng minh tài chính, hoặc chi phí duyệt vay, hoặc một khoản bảo lãnh,…sau rồi mới được nhận tiền vay. Khi chuyển tiền xong cho “đối tượng” một hoặc vài lần và không thể liên hệ được nữa khi bị chặn liên lạc thì mới phát hiện ra mình bị lừa rồi.
2. Vay qua các đơn vị cho vay tiền “nhanh và dễ” thực chất là tín dụng đen lãi suất “cắt cổ”
Rất nhiều đơn vị mạo danh là công ty tài chính cho vay tín chấp, không cần tài sản bảo đảm. Khi người vay không đủ điều kiện tiếp cận ngân hàng và các công ty tài chính chính thống và có tên tuổi, nhưng lại cực kỳ “khát” vốn, thì những công ty cho vay nhanh và dễ này là một giải pháp tức thời.
Tuy nhiên, phần thỏa thuận lãi suất mập mờ hoặc không đủ cơ sở pháp lý của các hợp đồng cho vay dẫn đến người đi vay nhận mức lãi suất “chợ đen” thậm chí lên tới 100-200%/1 năm. Khi không thể trả được, thì người vay vướng vào sự rủi ro không chỉ về tiền mà còn nguy hiểm tới an toàn của bản thân và những người thân trong gia đình, khi các đối tượng “giúp đỡ” cho vay thời gian đầu quay qua uy hiếp kiểu “xã hội đen” buộc phải thanh toán.

3. Lừa khách hàng vay vốn qua một loạt các app vay tiền, “hô biến” số tiền vay từ nhỏ thành lớn
Cũng với hình thức vay với lãi suất và phí “trên trời” nhưng sử dụng công nghệ tinh vi hơn. Nhóm đối tượng lừa đảo cho người vay vay một khoản nhỏ nhưng tính mức lãi và phí phạt chậm trả cực kỳ cao. Sau đó đến thời hạn trả nợ người vay không trả được chúng lại giới thiệu một số App vay tiền khác, vay để trả món nợ cũ của bên này. Thực chất bọn chúng chỉ là một hoặc có liên kết mật thiết với nhau. Thực tế đã có các trường hơp ban đầu chỉ vay số tiền 5-10 triệu đồng, lòng vòng trong một năm đã lên tới cả trăm triệu đồng.
4. Chuyển tiền vào tài khoản cá nhân và ép buộc nhận nợ
Khi để lộ thông tin tài khoản ngân hàng, có những người bỗng dưng nhận được một khoản tiền chuyển tới mà không biết nguồn gốc. Trong đó có nội dung chuyển tiền cho vay. Nếu không tỉnh táo, một là tham nghĩ người khác chuyển nhầm nên mình “sài đỡ”, hoặc nghĩ là chuyện đơn giản và bỏ qua không báo lại với ngân hàng và cơ quan chức năng. Sau đó một thời gian, các đối tượng sẽ xuất hiện và ép buộc người nhận tiền phải nhận nợ vay và đương nhiên với mức lãi suất không dễ chịu và kèm theo sự phiền toái không đáng có.

5. Bị lợi dụng hồ sơ cá nhân để vay vốn mà không biết
Nếu như bạn chưa từng vay mượn ở đâu, đến lúc các tổ chức tín dụng lại liên hệ để đòi tiền hoặc có lịch sử nợ xấu ở trung tâm thông tin tín dụng ngân hàng nhà nước (CIC) thì quả là một cú sốc không hề nhẹ. Các đối tượng có thể lợi dụng hồ sơ của bạn: Căn cước công dân, Hộ khẩu,…bạn bị mất hoặc rò rỉ ra ngoài. Chúng có thể thay ảnh (với chứng minh thư loại cũ) hoặc cắt ghép ảnh bằng công nghệ với căn cước công dân mới để nộp hồ sơ trực tuyến cho ngân hàng. Có thể bạn sẽ nhận nợ khoản vay hoặc trở thành chủ thẻ tín dụng bất đắc dĩ. Một số lỗ hổng về KYC (nhận diện khách hàng) có thể bị lợi dụng, và thật là đen đủi cho những ai bị chúng nhắm đến.

Cách nhận biết hình thức lừa đảo các khoản vay cá nhân
Trên đây là một số hình thức lừa đảo phổ biến đối với khoản vay cá nhân. Cách nhận biết để cũng không quá khó nếu bạn luôn có tinh thần cảnh giác và cẩn thận.
Khi nhận được một liên hệ nào chào mời khoản vay hoặc mở thẻ tín dụng, qua điện thoại hoặc phần mềm nhắn tin, mạng xã hội bạn cần kiểm tra kỹ người liên hệ với mình. Hỏi họ các thông tin về tổ chức cho vay/phát hành thẻ, địa chỉ cụ thể, đăng ký kinh doanh, website, người đại diện theo pháp luật,…Sau đó kiểm tra lại, xác thực các thông tin đó, cũng như hình thức hợp đồng và các điều khoản cho vay. Nếu cần thiết phải đến tận nơi để xác minh thông tin.
Với các app cho vay vốn cá nhân, người dự định vay vốn nên hết sức cảnh giác, cần kiểm tra kỹ các thông tin như trên và chỉ nên vay ở các đơn vị uy tín.
Dấu hiệu nhận biết các thủ đoạn lừa đảo đó là:
Người liên hệ với bạn không dám cung cấp cụ thể địa chỉ, đăng ký kinh doanh, hồ sơ công ty, hợp đồng cho vay mẫu cùng các điều kiện chi tiết, rõ ràng. Khi bạn đề nghị tới gặp trực tiếp có thể họ sẽ thấy bị “đánh động” mà thôi không dám liên hệ nữa.
Bạn chỉ nên vay vốn tại các tổ chức tài chính uy tín. Nếu không vay được của ngân hàng, bạn nên thử ở công ty tài chính điều kiện dễ dàng hơn với mức lãi suất cao hơn (nhưng tối đa lãi suất thực cho khoản vay/thẻ tín dụng cũng chỉ đến khoảng 30%/năm).
Trường hợp nghi ngờ giả mạo website, app của tổ chức chính thống, thì bạn nên có so sánh với đường link thật, app thật xem có khác biệt về màu sắc hình dạng của logo và các yếu tố nhận diện thương hiệu hay không. Có thể gọi đến tổng đài 24/7 của ngân hàng – công ty tài chính để kiểm tra.

Yếu tố quan trọng khác là cần bảo mật thông tin hồ sơ và hình ảnh cá nhân của mình, cũng như số tài khoản ngân hàng, cẩn thận tránh bị mất mát hay trôi nổi trên internet để tránh hai trường hợp cuối như đã nêu.
Trên đây là một số hình thức lừa đảo khoản vay cá nhân phổ biến. Nhiều người đã mất tiền và vướng vào các hệ lụy không đáng có. Tuy nhiên với sự cảnh giác và hiểu biết của mình bạn hoàn toàn có thể tránh được, không đi lạc vào các mảng tối xã hội này.