Dầu mỏ còn được gọi là “Vàng đen” của thế giới, là nguyên nhân sâu xa của không ít các cuộc chiến tranh, khủng hoảng kinh tế và chính trị. Nhắc đến dầu mỏ, người ta không thể không kể đến Rockefeller – đế chế dầu mỏ hùng mạnh nhất thế giới, từng khiến cả nước Mỹ khiếp sợ.
Có lẽ, câu nói “không ai giàu 3 họ” không còn linh nghiệm đối với gia tộc này. Kể từ khi thống trị ngành công nghiệp dầu mỏ từ thế kỉ 19, sự thịnh vượng của Rockefeller vẫn còn kéo dài cho đến hôm nay.

Dầu mỏ – “Vàng đen” của thế giới
Dầu mỏ còn được gọi là vàng đen – thứ vàng 9999 của ngành công nghiệp. Đây là nguồn năng lượng quan trọng nhất của thế giới hiện đại, không thể thiếu trong hoạt động sống của con người hiện nay.
Là dòng máu nóng không ngừng chảy của ngành công nghiệp, hầu hết các loại máy móc, động cơ, thiết bị di chuyển cho đến các phương tiện giao thông… đều đang sử dụng dầu để duy trì cuộc sống.
Ngày nay, dưới sự phát triển không ngừng của khoa học hiện đại, chúng ta đã tìm ra nhiều nguồn năng lượng thay thế cho dầu mỏ như: Năng lượng mặt trời, năng lượng hạt nhân, năng lượng từ sức gió, năng lượng từ sóng nước, nhiên liệu hydro cho xe hơi… Mỗi nguồn năng lượng đều có lợi thế khác nhau nhưng tất cả chúng vẫn không thể thay thế hoàn toàn được cho dầu mỏ.
Kinh doanh dầu mỏ mang lại lợi nhuận siêu ngạch cho các quốc gia và dân tộc trên thế giới. Không ít các cuộc chiến tranh, các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị có nguyên nhân sâu xa từ việc tranh giành dầu mỏ. Những biến động liên quan đến dầu mỏ, đủ làm điêu đứng các nhà đầu tư lớn nhỏ, thậm chí làm khuynh đảo chính sách của các quốc gia.
Nhắc đến dầu mỏ, sẽ là thiếu sót nếu như không kể tới Rockefeller – đế chế dầu mỏ hùng mạnh nhất thế giới.
Gia tộc Rockefeller: Đế chế dầu mỏ khét tiếng, khiến cả nước Mỹ khiếp sợ
Gia đình Rockefeller thịnh vượng từ thế kỉ 19 khi họ thống trị ngành công nghiệp dầu mỏ. Người khởi đầu cho sự thịnh vượng của gia tộc này chính là John Davison Rockefeller. Ông sinh năm 1839 – mất năm 1937.
Là người có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp dầu mỏ thời sơ khai, sau khi thành lập tập đoàn Standard Oil vào năm 1870, Rockefeller đã nhanh chóng trở thành tỷ phú đầu tiên của Mỹ, thậm chí là của thế giới. Khi John Davison 38 tuổi, gia tộc Rockefeller đã kiểm soát gần 90% công suất lọc dầu của Mỹ.
Nước Mỹ thời bấy giờ số người có gia sản vài triệu USD mới chỉ có 4 đến 5 người, nhưng John Davison nhờ vào việc kinh doanh dầu mỏ, đã có khối tài sản lên tới 1-3 tỷ USD. Theo cách tính của Forbes, số tiền này tương đương hơn 663 tỷ USD vào năm 2007.
Dù thành công và giàu có nhưng trong những năm tháng đời mình, John Davison Rockefeller là người đàn ông bị người đời khinh miệt, chủ yếu vì cách ông ta bóp nghẹt các đối thủ cạnh tranh, độc quyền và kiểm soát hầu như toàn bộ thị trường dầu mỏ.
Điển hình vào năm 1873, nền kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng, hàng loạt ngân hàng và công ty đường sắt phá sản, giá dầu lao dốc chỉ còn 48 cent. Trong bối cảnh này, các công ty dầu mỏ cũng lao đao. Tuy nhiên, Rockefeller không hề nao núng, mà ngược lại, ông tận dụng thời cơ, đã mua lại 22 trên 26 đối thủ cạnh tranh, thần tốc đến mức khiến cả nước Mỹ ngỡ ngàng.
Trong cuốn sách “Titan – Gia tộc Rockefeller”, tác giả Ron Chernow có ghi lại rằng vào năm 1887, một người cộng sự của Rockefeller đã viết thư cho ông ta như thế này:
“Chúng ta đã gặt hái được thành công vô song trong lịch sử thương mại, tên tuổi của chúng ta được cả thế giới biết đến, còn thanh danh của chúng ta lại không phải là điều khiến người ta thèm muốn. Chúng ta bị coi là hiện thân của quỷ khát máu, sự vô lương tâm, giả nhân giả nghĩa…”

Quyền lực của người khổng lồ trong công nghiệp dầu mỏ ngày nay đã phát triển đến mức gần như không thể nào dò xét được. Gia tộc Rockefeller hiện đang giành quyền kiểm soát trên khắp mọi lĩnh vực cuộc sống của con người, bao gồm cả giáo dục, y tế, hệ thống tiền tệ, và chuỗi cung ứng lương thực.

Người dân New York còn nói đùa với nhau rằng chỉ cần bước chân ra khỏi nhà sẽ chạm mặt dịch vụ của Rockefeller. Không chỉ sở hữu thể chế tài chính lớn mang tên JP Morgan Chase và tập đoàn dầu khí đa quốc gia ExxonMobil. Những khu bất động sản khổng lồ đình đám của nước Mỹ, có thể kể đến là trung tâm Rockefeller, bảo tàng nghệ thuật hiện đại, trung tâm Lincoln, trung tâm thương mại bang New York, bến tàu thủy liên hợp San Francisco….đều thuộc sở hữu của nhà Rockefeller.
Một số nguồn tin còn cho rằng gia đình Rockefeller chính là người khai sáng câu lạc bộ Bilderberg, bao gồm khoảng 150 thành viên gồm toàn những tỷ phú tài chính và nguyên thủ quốc gia, đã thao túng cả thế giới suốt 60 năm qua. Thành viên của tổ chức này phải kể đến những nhân vật “sừng sỏ” một thời như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Hoàng đế Bỉ Philippe, Thái tử Anh Charles, Giám đốc IMF Christine Lagarde.
Mặc dù nguồn tin chưa được xác thực nhưng câu lạc bộ này thực sự tồn tại. Các thành viên của câu lạc bộ Bilderberg gồm các nghị sĩ Anh hoặc những quan chức cao cấp Mỹ đã lên tiếng “bào chữa” rằng câu lạc bộ Bilderberg chẳng qua chỉ là một nơi để bàn luận vấn đề, một diễn đàn mà người người đều có thể tự do phát biểu ý kiến.
Rockefeller: Gia tộc phá bỏ định kiến “không ai giàu ba họ”

Có câu nói “không ai giàu 3 họ”, cũng bởi vì hầu hết các gia tộc giàu có thường sẽ chấm dứt thời kỳ hưng thịnh do thế hệ con cháu tranh chấp tài sản và “vung tay quá trán”. Tuy nhiên, câu nói này không còn “linh nghiệm” đối với gia tộc Rockefeller.
Tỷ phú John Davison có 1 người con trai duy nhất và 4 người con gái. Những thế hệ sau này trong gia đình ông đều thành công, cả trong lĩnh vực kinh doanh và trên chính trường.
Trong đó, cháu trai Nelson có 4 nhiệm kỳ liên tiếp giữ chức thống đốc bang New York, được bổ nhiệm làm Phó Tổng thống Mỹ vào năm 1974. Tỷ phú Lawrence, cháu trai thứ ba được cho là doanh nhân tài giỏi nhất trong 6 anh chị em, còn cháu trai cuối cùng của gia tộc: David Rockefeller chính là một doanh nhân, nhà từ thiện nổi tiếng nước Mỹ. Khối tài sản khi ông còn sống, ước tính lên đến hơn 3 tỷ USD.