Bạn yêu thích ngành dịch vụ ăn uống và có dự định khởi nghiệp với một nhà hàng của riêng mình? Bắt tay vào việc lên kế hoạch kinh doanh, “ Mở nhà hàng cần bao nhiêu vốn ?”, “ chi phí mở nhà hàng như thế nào ?” là vấn đề quan trọng hàng đầu vì cần phải đánh giá nguồn lực nội tại đáp ứng được hay không. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ bật mí cho bạn đọc về cách tính toán vốn mở nhà hàng, để lên được tương đối chính xác con số cụ thể cần bao nhiêu vốn để có thể kinh doanh.

MỞ NHÀ HÀNG CẦN BAO NHIÊU VỐN
Khi phác họa ra khung cảnh một cửa hàng ăn uống của mình làm chủ: sang trọng và chuyên nghiệp hoặc là rất có “gu”, thực khách tới ngày một nhiều và mở mang phát triển,,… điều đó thật là tuyệt vời!
Tuy nhiên, trước khi biến giấc mơ đẹp đó thành hiện thực thì bạn cần một cái đầu giỏi tính toán con số, dự trù chính xác mở nhà hàng cần bao nhiêu vốn, cho các hạng mục gì, đánh giá các tình huống xảy ra, để có sự chuẩn bị chu đáo nhất.
Mở nhà hàng cần số vốn lớn hơn đáng kể so với mở quán ăn. Quán ăn mang hàm nghĩa về quy mô nhỏ hơn, vốn ít, cho bạn cơ hội thử sai và làm lại. Có những quán ăn giá thuê vài triệu đồng một tháng, với diện tích chỉ khoảng chục mét vuông, tận dụng vỉa hè kê bàn ghế để khách hàng ngồi, đầu tư ban đầu chỉ vài chục triệu đồng…nhưng cũng đã được gọi là một cơ sở kinh doanh.
Câu chuyện sẽ rất khác nếu bạn mở một nhà hàng. Về quy mô sẽ ở mức trung bình cho tới lớn, diện tích tối thiểu cũng phải từ 50-100 mét vuông trở lên và đòi hỏi sự chuyên nghiệp. Lúc này khoản vốn đầu tư – là những đồng tiền mồ hôi nước mắt được yêu cầu bỏ ra ở mức khá lớn, yêu cầu đối với khả năng điều hành kinh doanh cũng rất cao.

Mở nhà hàng cần bao nhiêu vốn? Để trả lời câu hỏi này ta cần bóc tách ra nhiều hạng mục của chi phí mở nhà hàng như sau:
- Chi phí thuê mặt bằng
- Chi phí thiết kế, xây dựng nhà hàng, mua sắm đồ nội thất, trang trí
- Chi phí mua sắm thiết bị dụng cụ bếp
- Chi phí mua nguyên vật liệu dùng cho chế biến đồ ăn, uống
- Chi phí thuê nhân sự
- Chi phí Marketing
- Chi phí trang thiết bị cho vận hành, phần mềm quản lý, điện nước, internet, thuế, lệ phí kinh doanh,..
- Chi phí dự phòng
1.Chi phí mở nhà hàng đầu tiên là tiền thuê mặt bằng
Nếu bạn đã sở hữu cơ sở kinh doanh nhà hàng thì đó là một điều tuyệt vời. Sở hữu cơ sở kinh doanh làm giảm áp lực đáng kể vì chi phí thuê mặt bằng kinh doanh nhà hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí.
Trường hợp phải đi thuê, thì giá thuê dao động tùy thuộc vị trí, diện tích, loại hình nhà, thiết kế và trang thiết bị sẵn có của cơ sở kinh doanh.
Về vị trí, giá thuê thay đổi tùy thuộc địa chỉ kinh doanh ở đâu:
- Thành phố lớn, thành phố nhỏ hay tỉnh lị.
- Ở khu vực trung tâm kinh doanh sầm uất, mặt phố lớn hay khu vực thưa dân hơn và khuất hơn phía trong.
- Nhà hàng ở khu vực xa trung tâm thuộc ngoại thành, ven đô.
- Vị trí thuê có lợi thế gì đặc biệt hay không? Ví dụ lợi thế vì thuộc quần thể gồm nhiều nhà hàng ăn uống có truyền thống lâu năm, đã nổi tiếng hay lợi thế nằm trong khu vực đông khách du lịch.
Diện tích của một nhà hàng có thể chia ra các mức như sau
- Dưới 100m2
- 100m2-250m2
- 250m2-500m2
- 500m2-1000m2
- Trên 1000m2
Loại hình nhà
- Mặt sàn kinh doanh tại các trung tâm thương mại
- Mặt sàn kinh doanh tại chân tòa nhà chung cư
- Shop-house của khu đô thị
- Nhà mặt phố gồm 1 mặt sàn hoặc chồng tầng
- Nhà vườn, hoặc với khuôn viên rộng rãi
- Thuê đất trống thời hạn lâu dài và tự đầu tư xây dựng nhà hàng
Thiết kế và trang thiết bị sẵn có
- Đất trống và xây dựng mới từ đầu
- Nhà đã có phần khung, có hệ thống cấp thoát nước, khu vệ sinh, đường điện chờ, cần làm toàn bộ hệ thống sàn, trần, sơn tường, vách ngăn,..(nhà sẵn cần cải tạo nhiều)
- Nhà đã có trang thiết bị nội thất cơ bản, cần cải tạo lại (nhà sẵn cải tạo vừa)
- Nhà đã thiết kế mô hình để làm nhà hàng, chỉ cần điều chỉnh lại cho phù hợp
- Thuê lại nhà hàng có sẵn từ chủ cũ ngừng kinh doanh để kinh doanh tiếp
Khó có thể nói một mức chi cố định cho việc thuê cơ sở kinh doanh nhà hàng. Có thể dao động từ một vài chục triệu đồng tới vài trăm triệu đồng, có khi lên tới hàng tỷ đồng cho một tháng.
Bạn có thể tham khảo giá thuê mặt bằng tại Hà Nội ở link sau
https://mogi.vn/ha-noi/thue-mat-bang-cua-hang-shop-quan-an-nha-hang?cp=2
Vấn đề quan trọng là bạn cần tính toán để chi phí thuê mặt bằng sao cho phù hợp với tiềm năng kinh doanh, đặc thù của mô hình kinh doanh và phải dự phòng được chi phí thuê nhà có sẵn cho khoảng ít nhất 1 năm tới để mọi thứ đi vào vận hành ổn định có thu nhập đủ để trang trải các loại chi phí.
2.Chi phí mở nhà hàng bao gồm tiền thiết kế, xây dựng nhà hàng, mua sắm đồ nội thất, trang trí
Chi phí thiết kế, xây dựng, mua sắm nội thất và trang trí là chi phí mở nhà hàng cần bỏ ra ngay từ giai đoạn đầu tiên, sẽ tùy thuộc vào diện tích nhà hàng định triển khai, và mức độ sẵn có của cơ sở vật chất và các trang thiết bị. Ngoài ra, nó còn thay đổi theo mức độ đầu tư:
- Cao cấp
- Sang trọng
- Tiêu chuẩn
- Tiết kiệm
Chi phí mở nhà hàng đầu tiên là tiền thuê mặt bằng
Hãy tham khảo bảng báo giá sau của một đơn vị chuyên thiết kế thi công nhà hàng
BẢNG DỰ TOÁN CHI PHÍ MỞ NHÀ HÀNG
DỰ TOÁN CHI PHÍ TẠM TÍNH
792.396.000 VNĐ
THÔNG TIN DỰ ÁN
- Chủ Đầu Tư: Nguyễn Văn A
- Loại hình kinh doanh: Nhà hàng theo phong cách
- Diện tích: 100 m2
- Hiện trạng: Đất trống
- Mức độ đầu tư: Tiêu chuẩn
- Địa điểm: Hà Nội
CHI PHÍ TRÊN BAO GỒM
Hạng mục | Bao gồm | Không bao gồm |
Tư vấn thiết kế về công năng và định vị concept 3D | X | |
Thiết kế bản vẽ 2D và 3D theo concept đã thống nhất | X | |
Tháo dỡ, chuẩn bị mặt bằng thi công | X | |
Xây dựng khung bê tông cốt thép từ móng, cột, dầm, sàn, mái (đối với dự án xây mới bằng phương án bê tông cốt thép) | X | |
Xây dựng khung thép tiền chế từ móng, cột, dầm, sàn, mái (đối với dự án xây mới bằng khung thép tiền chế) | X | |
Xây tường, tô tường toàn nhà | X | |
Bả mastic và sơn nước theo thiết kế | X | |
Ốp lát gạch sàn, sàn gỗ, sàn PVC, lát đá granite theo thiết kế | X | |
Cung cấp lắp đặt hệ thống điện: Hệ thống dây điện, tủ điện, máng trunking, đấu nối điện toàn công trình | X | |
Cung cấp hệ thống nước: Bồn nước, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hố ga… | X | |
Cung cấp lắp đặt các thiết bị điện: Đèn chiếu sáng, đèn trang trí, công tắt, CB… | X | |
Cung cấp lắp đặt thiết bị nước: Lavabo, bồn cầu, vòi rửa, phễu thu… | X | |
Cung cấp lắp đặt hệ thống âm thanh các khu vực | X | |
Cung cấp lắp đặt hệ thống camera toàn nhà | X | |
Cung cấp lắp đặt hệ thống dây dẫn cho internet và các hệ thống kết nối khác | X | |
Cung cấp lắp đặt hệ bảng hiệu mặt tiền, logo bên trong, bên ngoài nhà | X | |
Cung cấp lắp đặt các vách CNC, vách ngăn trang trí, trần trang trí, đá granite trang trí cầu thang,… | X | |
Cung cấp đầy đủ bàn, ghế, sofa các khu vực của công trình | X | |
Cung cấp lắp đặt nội thất: hệ quầy, tủ, kệ… theo thiết kế | X | |
Cung cấp lắp đặt các chi tiết décor trang trí khác: Vẽ tranh tường, giấy dán tường, tranh treo, vật dụng décor rời… | X | |
Các thiết bị nấu nướng, pha chế và hệ Inox cho khu vực bếp, bar | X | |
Hạng mục máy lạnh, thang nâng, thang máy | X | |
Hạng mục cây xanh, non bộ, tiểu cảnh, bể hải sản | X |
Dự án trên là xây dựng mới nhà hàng, do đó cần chi xấp xỉ 8 triệu đồng cho 1 mét vuông xây dựng + nội thất (chưa bao gồm 3 hạng mục cuối).
Trong trường hợp đã có cơ sở hạ tầng tốt, chỉ cần thiết kế và đầu tư vào Nội Thất thì chi phí mở nhà hàng về phần này sẽ rơi vào khoảng 1.000.000-3.000.000đ/m2 diện tích sàn.
Ví dụ cụ thể, nhà hàng có diện tích sàn 100m2, sẽ cần chi 100.000.000đ đến 300.000.000đ cho thiết kế không gian bên ngoài và bên trong, tủ kệ quầy thu ngân, bàn ghế cho khách ngồi, giá kệ, cây cảnh và đồ trang trí. Nếu trường hợp muốn làm cao cấp hơn nữa thì chi phí này sẽ tăng lên.
Tại sao lại có sự chênh lệch lớn về chi phí mở nhà hàng trong việc hoàn thiện nội thất đến như vậy? Lý do vì một bộ bàn ghế nhà hàng cho 4-6 người ngồi cũng có nhiều mức giá khác nhau từ 1.500.000đ – 4.500.000đ. Loại gỗ dùng cho nội thất nếu dùng gỗ thịt sẽ đắt hơn gỗ công nghiệp. Như vậy lựa chọn của chủ đầu tư ở các mức độ từ tiết kiệm tới cao cấp sẽ cho ra bảng dự toán với con số tổng chênh lệch khác nhau.
Chi phí nội thất tốn kém chính là cho khu vực ngồi ăn uống của khách. Vậy khu vực này chiếm bao nhiêu phần trong tổng diện tích? Thường thì tỷ lệ lý tưởng là 50% cho khu vực của khách ngồi, 30% cho bếp và 20% cho kho và văn phòng.
Trong phần khu vực khách ngồi có tiêu chuẩn diện tích chỗ ngồi như sau
- Nhà hàng sang trọng: 1.8 – 2.0 m2/ khách.
- Nhà hàng trung cấp: 1.6 – 1.8 m2/ khách.
- Nhà hàng bình dân: 1.4 – 1.6 m2/ khách.
Như vậy với nhà hàng khoảng 200m2 sẽ có 100m2 dành cho khu vực ngồi của khách. Sẽ có số chỗ ngồi trung bình là 50 đến 70.

Dự kiến chi phí mở nhà hàng phần này sẽ phụ thuộc vào kỳ vọng của chủ đầu tư về nguồn thu. Trên nguyên tắc là doanh thu kỳ vọng sẽ phải lớn hơn chi phí bỏ ra ở mức độ chấp nhận được.
Để tính doanh thu thì một yếu tố quan trọng cần đề cập tới là “vòng quay chỗ ngồi”. Đó là số lượt mà một ghế ngồi trong nhà hàng có thể phục vụ khách hàng trong 1 buổi (sáng hoặc trưa hoặc tối).
- Nhà hàng sang trọng: Một ghế ngồi chỉ phục vụ duy nhất một khách hàng trong 1 buổi, vòng quay chỗ ngồi là 1.
- Nhà hàng trung cấp: Một chỗ ngồi phục vụ được khoảng 1 -2 khách trong một buổi, vòng quay chỗ ngồi 1,5.
- Nhà hàng bình dân: Một ghế có thể quay vòng phục vụ được khoảng 2 đến 3 khách trong một buổi, vòng quay chỗ ngồi là 2-3
Dự tính được vòng quay chỗ ngồi sẽ cho ra được suất ăn phục vụ kỳ vọng đạt được với quy mô của nhà hàng được set up. Nó đặt cơ sở cho việc định giá bán và hạch toán lỗ lãi. Cũng như để đưa ra các chiến lược Marketing để thu hút lượng khách hàng cần thiết tới nhà hàng.
Mức độ đầu tư thiết kế, xây dựng, trang trí, nội thất sẽ căn cứ theo kế hoạch kinh doanh của chủ đầu tư, dựa trên kỳ vọng về lượng khách hàng, doanh thu, thời gian thu hồi vốn, lợi nhuận.
3.Vốn mở nhà hàng gồm chi phí mua sắm thiết bị dụng cụ bếp
Phần dụng cụ nhà bếp là khoản vốn đáng kể với các nhà hàng mới mở, bao gồm các hạng mục như:
STT | Thiết bị bếp nhà hàng | Giá tham khảo thị trường
(ĐVT: đồng/chiếc) |
1 | Tủ lạnh công nghiệp, tủ đông công nghiệp | 20-50 triệu |
2 | Máy thái, xay thịt, cắt rau củ quả | 2-7 triệu |
3 | Chậu rửa công nghiệp, máng rửa tay | 5-10 triệu |
4 | Bếp gas công nghiệp | 7-15 triệu |
5 | Nồi nấu phở, hầm xương bằng điện | 6-12 triệu |
6 | Bếp chiên ngập dầu | 5-15 triệu |
7 | Lò nướng công nghiệp | 5-15 triệu |
8 | Tủ nấu cơm công nghiệp | 5-12 triệu |
9 | Bàn sơ chế thực phẩm, bàn bếp, bàn để đồ ăn chín bằng inox | 1.7-5 triệu |
10 | Giá kệ, tủ đựng: xoong, nồi, chảo, bát, đĩa, cốc chén, dụng cụ nấu | 3-7 triệu |
11 | Hệ thống chụp hút mùi | 5-15 triệu |
12 | Máy rửa bát | 15-50 triệu |
13 | Máy sấy bát đĩa | 5-10 triệu đồng |
14 | Bộ Bát đĩa ăn và dụng cụ cho 1 bàn ăn 6 người | 1-2,5 triệu đồng |
Trên đây là những thiết bị nhà bếp cơ bản, chưa kể tới những món đồ nhỏ như dao, thớt, hộp đựng thực phẩm, gia vị, ,khay, rổ, đồ vệ sinh nhà bếp,…
Với hệ thống bếp quy mô nhỏ nhất khoảng 20-25m2 (cho nhà hàng tầm 60-80m2) vốn mở nhà hàng cho phần chi phí mua sắm trang thiết bị bếp và bát đũa đã hết khoảng 120-200 triệu đồng. Với các nhà hàng quy mô lớn hơn, việc mua sắm thiết bị nhà bếp có thể lên tới 300-800 triệu đồng.
4.Vốn mở nhà hàng cần tính phần chi phí mua nguyên vật liệu
Mua nguyên vật liệu để chế biến đồ ăn thức uống cho nhà hàng là một phần của vốn mở nhà hàng được phát sinh thường xuyên.
Chi phí vốn mở nhà hàng dành cho khoản mục mua nguyên vật liệu chế biến sẽ căn cứ theo quy mô phục vụ tổng lượng khách trong ngày/tuần/tháng với công thức giá nguyên liệu chiếm khoảng 30-40% giá bán.

Như vậy nếu nhà hàng quy mô phục vụ được áng chừng 100 lượt khách mỗi ngày, mỗi người chi 200.000đ cho một lượt đến ăn, tổng doanh thu bán hàng 1 ngày là 20.000.000đ, thì lượng nguyên vật liệu nhập hàng ngày sẽ rơi vào khoảng 5-7 triệu đồng/ngày và có thể quay vòng từng ngày. Hàng tồn kho về thực phẩm dài hạn hơn theo tuần/tháng có thể ở mức 10-20 triệu đồng.
Đồ uống như rượu, bia, nước giải khát có hạn sử dụng lâu thì nhà hàng có thể gọi theo đợt dài hơn. Hàng tồn kho với đồ uống sẽ khoảng 10-20 triệu đồng
Chi phí vốn mở nhà hàng cho nguyên vật liệu không lớn theo ngày, nhưng vòng quay lại nhiều lần trong tháng. Do đó việc kiểm soát chi phí nguyên vật liệu, tránh lãng phí cũng là một điều quan trọng. Mỗi ngày một chút nhưng tích tiểu thành đại. Ví dụ hàng ngày giảm lãng phí và hao hụt thực phẩm với giá trị 1 triệu đồng, thì 1 tháng bạn sẽ có thêm 30 triệu đồng cộng vào lợi nhuận của mình.
Kiểm soát tốt loại chi phí vốn này giúp nhà hàng cung cấp món ăn tươi ngon, hấp dẫn – yếu tố quan trọng trong kinh doanh ẩm thực, vừa giúp cho việc tối đa hóa lợi nhuận được thực thi.
5.Để biết cần bao nhiêu vốn để mở nhà hàng cần tính được chi phí nhân sự hàng tháng
Bố trí nhân sự đối với nhà hàng là một khâu cần tính toán kỹ lưỡng. Vì đặc trưng nhà hàng thường đông vào giờ cao điểm. Các khoảng thời gian còn lại nhân viên không hoạt động hết công suất hoặc có lúc rảnh hoàn toàn. Do đó thuê người theo ca là một giải pháp thông dụng.
Tỷ lệ để tính số nhân viên tiêu chuẩn, với nhà hàng thông thường: Một nhân viên bàn sẽ đảm nhiệm 5 – 6 bàn, cần 4 nhân viên bếp cho mỗi 50 lượt khách hàng mỗi ca. Nhà hàng cao cấp thì con số tương ứng sẽ là 1 nhân viên phục vụ 3-4 bàn, và 6-7 nhân viên bếp cho 50 khách.

Ngoài ra, bạn còn cần thuê một số đầu bếp chuyên biệt tùy thuộc vào đặc thù của nhà hàng, người giám sát quản lý, nhân viên thu ngân, bảo vệ, nhân viên vệ sinh,..
Mức lương của mỗi vị trí nhân với số nhân sự cần thiết thuê nguyên ngày hoặc theo ca sẽ cho ra con số chi phí nhân sự mà nhà hàng cần chi, từ đó trả lời được cho câu hỏi “ cần bao nhiêu vốn để mở nhà hàng ?”
Tại Việt Nam, một nhà hàng cơ bản như ví dụ ở trên, phục vụ 100 khách một ngày, chia làm hai buổi chính là trưa và chiều, thì lượng nhân sự sẽ cần là 2-3 nhân viên bàn, 4 nhân viên bếp, 1 nhân viên thu ngân, 1 nhân viên bảo vệ, 1 nhân viên vệ sinh, 1 người quản lý giám sát, mức lương trung bình là 7 triệu đồng/người thì tổng lương nhân viên là khoảng 70 triệu đồng.
6.Để tính cần bao nhiêu vốn để mở nhà hàng sẽ phải cộng chi phí Marketing
Về lý thuyết, chi cho Marketing nên chiếm khoảng 5-7% tổng chi phí đầu tư. Thực tế hoạt động Marketing của nhà hàng tiêu tốn bao nhiêu còn tùy thuộc vào chiến lược, từng giai đoạn cũng như đặc thù của đơn vị kinh doanh đó.
Với các nhà hàng đã chọn thuê đắt đỏ ở mặt phố lớn đông người qua lại thì chi phí Marketing có thể giảm hơn so với các nhà hàng ở khu vực khuất ít người biết tới. Nhà hàng có các yếu tố độc đáo nổi bật về món ăn hoặc phong cách có thể tận dụng được kênh quảng cáo truyền miệng.

Nhìn chung các nhà hàng sẽ cần đầu tư chi phí Marketing lớn ở giai đoạn đầu. Sau này sẽ cần duy trì ở một mức thấp hơn. Sau thời gian đầu quảng bá để khách biết tới, thì sự phát triển bền vững của nhà hàng phụ thuộc khá nhiều vào nguồn khách quen quay trở lại, khách hàng giới thiệu khách hàng. Giá trị cốt lõi cần đảm bảo là món ăn, đồ uống ngon, giá cả hợp lý, dịch vụ chu đáo, trải nghiệm khách hàng tốt. Nếu các yếu tố này không chuẩn thì dù có chi mạnh tay cho các hoạt động Marketing một cách trường kỳ cũng không đem lại hiệu quả cao.
7.Chi phí trang thiết bị cho vận hành, phần mềm quản lý, điện nước, internet, thuế, lệ phí kinh doanh,…
Nhà hàng sẽ cần các thiết bị như: điện thoại, máy vi tính, thiết bị phát wifi, máy in, máy in hóa đơn, máy cà thẻ POS, phần mềm quản lý nhà hàng,..các mục này được đầu tư ngay từ khi mới mở.

Chi phí điện nước của nhà hàng cũng là một khoản đáng kể so với các mô hình kinh doanh thông thường khác. Vì ngoài điện nước phục vụ cho bếp ăn công nghiệp, còn cần tính đến thiết bị chiếu sáng, điều hòa làm ấm, làm mát cho cả không gian rộng của một nhà hàng.
Chi phí lệ phí đăng ký kinh doanh ban đầu, thuế và phí định kỳ hàng tháng nộp theo quy định của nhà nước.
8.Chi phí dự phòng là khoản mục cần thêm vào để tính cần bao nhiêu vốn để mở nhà hàng cho đầy đủ
Khi mở ra kinh doanh là phải chịu áp lực tính toán chuẩn chỉnh và chu đáo để có thể duy trì lâu dài và bền vững, có lợi nhuận.
Nếu là một nhà hàng mới mở, sẽ có các rủi ro phát sinh như: thời gian đầu chưa quen khách, kinh nghiệm vận hành còn non nớt, các yếu tố khách quan như dịch bệnh, hạn chế đi lại. . khiến công việc bị tạm dừng.

Bạn đã đầu tư một khoản vốn khá lớn ban đầu cho nhà hàng, ngoài ra còn phải chuẩn bị chi phí dự phòng vận hành tối thiểu cho 6 tháng – 1 năm tiếp theo bao gồm chi phí thuê nhà, lương nhân viên, chi phí trang trải cho nguyên vật liệu, điện nước,….
Chi phí dự phòng càng lớn thì bạn càng có tâm thế chủ động để đối phó tốt với các tình huống bất ngờ.
Trên đây là một số phân tích về việc mở nhà hàng cần bao nhiêu vốn. Tổng đầu tư là con số không hề nhỏ, ít nhất là 300-500 triệu cho tới vài tỷ đồng phụ thuộc vào quy mô mong muốn. Đầu tư nhà hàng hứa hẹn mức lợi nhuận hấp dẫn 15-25%, nhưng nó cũng đòi hỏi cao về khả năng và kinh nghiệm điều hành của người đứng chủ. Vốn đầu tư nhà hàng nên được tính toán kỹ lưỡng và phân bổ hợp lý, kết hợp với chiến lược kinh doanh đúng đắn, hứa hẹn đem lại phần thưởng xứng đáng cho người dám nghĩ dám làm.