Cuối cùng bạn đã quyết định bắt đầu đầu tư. Và bạn biết quy tắc cơ bản của nhà đầu tư thông minh chính là một danh mục đầu tư nên được đa dạng hóa trên nhiều lĩnh vực. Nhưng giữa hàng chục nghìn cổ phiếu, làm thế nào để xác định được cổ phiếu nào đáng mua?
Hiện nay phương pháp phân tích kỹ thuật là một công cụ hữu hiệu để trả lời câu hỏi có nên mua/ bán cổ phiếu này không? Mức giá nào là hợp lý nhất? Hãy cùng The Mastro tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT LÀ GÌ?
Phân tích kỹ thuật (Technical Analysis) là những nguyên tắc giao dịch được sử dụng để xác định và đánh giá các cơ hội đầu tư bằng cách phân tích, thống kê các số liệu giao dịch. Phương pháp phân tích kỹ thuật không chỉ sử dụng trong chứng khoán mà còn được phổ biến rộng rãi trong các cộng đồng đầu tư chính như Forex hay Tiền điện tử.
Phân tích kỹ thuật là một phương pháp phân tích dựa trên các dữ liệu trong quá khứ trên biểu đồ kết hợp với diễn biến giá cả và khối lượng giao dịch của cổ phiếu thông qua những chỉ báo nhằm phân tích các biến động cung – cầu.
Giá của chứng khoán phản ánh tất cả những yếu tố nội tại, vì vậy dựa vào sự phân tích kỹ thuật kết với với sự kiểm soát chặt chẽ chiều hướng cổ phiếu thì hoàn toàn có thể xác định được xu hướng trong tương lai gần của nó.
ƯU NHƯỢC ĐIỂM CỦA PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
ƯU ĐIỂM |
NHƯỢC ĐIỂM |
Có thể sử dụng rộng rãi để phân tích bất kỳ giao dịch (Cổ phiếu, hàng hóa, lãi suất, ngoại hối, tiền điện từ) | Thị trường chứng khoán có nhiều yếu tố tác động, không thể lường trước, vì vậy không phải lúc nào thị trường cũng biến động đúng như phân tích |
Dễ dàng nắm bắt được biến động hiện tại và có thể dự đoán được xu hướng trong tương lai | Khó có thể ứng phó với các sự kiện đột ngột hoặc báo cáo tài chính |
Chỉ cần tập trung vào biểu đồ cũng có thể giao dịch | Có rất nhiều chỉ báo trên biểu đồ nên sẽ hơi bỡ ngỡ đối với những người mới |
NHỮNG CHỈ BÁO ĐIỂN HÌNH TRONG PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Đường xu hướng (Trend line)

Là một đường thẳng giúp các nhà đầu tư nhận định xu hướng giá trong một khoảng thời gian tương ứng. Đường trendline được tạo ra bằng cách nối hai hoặc nhiều điểm. Có 3 dạng đường xu hướng: Xu hướng tăng (đáy sau cao hơn đáy trước), xu hướng giảm (đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước), xu hướng đi ngang (sideway, giá biến động trong một vùng giá).
Đường xu hướng càng dốc thì độ tin cậy càng thấp và khả năng bị phá vỡ càng cao. Tương tự như mức hỗ trợ và kháng cự, đường xu hướng sẽ mạnh hơn nếu nó được chạm vào nhiều lần nhưng không phá vỡ
Hình mẫu biểu đồ

Là một loạt các hành động giá xảy ra trong thời gian giao dịch chứng khoán. Nó có thể trong bất kỳ khung thời gian nào – hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày và trong ngày. Đặc biệt hình mẫu biểu đồ có xu hướng lặp đi lặp lại nhiều lần. Vì vậy có thể sử dụng với các kiểu giao dịch khác nhau như lướt sóng, giao dịch trong ngày, đầu cơ, giao dịch theo vị thế và cả đầu tư.
Cũng giống như khối lượng, mức hỗ trợ và kháng cự, RSI và Fibonacci Retracements có thể giúp giao dịch phân tích kỹ thuật của bạn, các mẫu biểu đồ chứng khoán có thể góp phần xác định sự đảo ngược và liên tục của xu hướng.
Đường trung bình động (Moving Average)

Là đường thể hiện trung bình cộng của chuỗi giá trong một khoảng thời gian nhất định. Có 3 dạng đường trung bình MA phổ biến bao gồm:
- Đường SMA (Simple Moving Average): là đường trung bình động đơn giản được tính bằng trung bình cộng các mức giá đóng cửa trong một khoảng thời gian giao dịch nhất định.
- Đường EMA (Exponential Moving Average): là đường trung bình lũy thừa được tính bằng công thức hàm mũ, trong đó đặt nặng các biến động giá gần nhất. Do đó, EMA khá nhạy cảm với các biến động ngắn hạn, nhận biết các tín hiệu bất thường nhanh hơn đường SMA giúp nhà đầu tư phản ứng nhanh hơn trước các biến động giá ngắn hạn.
- Đường WMA (Weighted Moving Average): là đường trung bình tỉ trọng tuyến tính, nó sẽ chú trọng các tham số có tần suất xuất hiện cao nhất. Nghĩa là đường trung bình trọng số WMA sẽ đặt nặng các bước giá có khối lượng giao dịch lớn, quan tâm đến yếu tố chất lượng của dòng tiền.
Dải Bollinger (Bollinger Band)

Là một chỉ báo phổ biến, được thiết kế để tạo ra các tín hiệu “quá bán” hoặc “quá mua”. Bollinger Band thường được thể hiện bằng tổng cộng năm đường, nhưng đặc biệt quan trọng là đường trung bình động SMA (20 ngày) và hai độ lệch chuẩn “dải trên” và “dải dưới”.
Dải Bollinger sẽ tự điều chỉnh mở rộng trong các giai đoạn thị trường biến động và thu hẹp trong các giai đoạn thị trường ít biến động hơn.
- Tín hiệu mua khi giá cổ phiếu giảm xuống dưới -2 dải dưới và đồng thời RSI<30
- Tín hiệu bán khi cổ phiếu tăng lên dưới +2 dải trên và đồng thời RSI>70
Chỉ số sức mạnh tương đối RSI (Relative Strength Index)

Là một chỉ báo động lượng, được sử dụng để đo tốc độ cũng như biến động giá gần đây. Chỉ báo cũng giúp xác định các mức “quá mua” hay “quá bán” trên thị trường nhằm mua thấp và bán cao.
- Khi RSI<30 cho biết giá tài sản có thể gần chạm đáy (quá bán) trong khoảng thời gian đó và có khả năng sẽ tăng trong thời gian tới.
- Khi RSI>70 cho biết giá tài sản có thể gần chạm đỉnh (quá mua) trong khoảng thời gian đó và có khả năng sẽ giảm trong thời gian tới.
Đường phân kỳ hội tụ trung bình động MACD (Moving Average Convergence divergence)
Là một chỉ báo động lượng theo xu hướng đồng thời cho thấy mối quan hệ giữa hai đường trung bình động của giá chứng khoán. Trong một biểu đồ chứng khoán, đường MACD thường có màu xanh lam mặc định. Đường tín hiệu EMA 9 ngày là đường thứ hai thường đi kèm với MACD.
- MACD = Đường trung bình động hàm mũ (EMA) 12 ngày – Đường trung bình động hàm mũ (EMA) 26 ngày
- Khi MACD vượt lên trên đường tín hiệu là thời điểm mua
- Khi MACD cắt xuống dưới đường tín hiệu là thời điểm bán
Chỉ số định hướng trung bình ADX (Average Directional Index)

Nằm trong hệ thống định hướng (Directional Movement System) cùng chỉ báo định hướng âm (-DI) và chỉ báo định hướng dương (+DI), đây là một tổ hợp được sử dụng để đo cả động lượng và hướng chuyển động giá.
ADX cùng với DI- và DI+ là các chỉ báo định lượng. ADX giúp nhà đầu tư xác định cường độ xu hướng trong khi -DI và + DI giúp xác định xu hướng. ADX thường lấy giá trị 25 (hoặc 20 tùy người phân tích) làm mức tham chiếu, tối đa là 100.
- Dưới 25: Cổ phiếu không có xu hướng rõ ràng.
- Từ 25 đến 50: Cổ phiếu có xu hướng, giá trị càng lớn xu hướng càng mạnh.
- Từ 50 đến 75: Cổ phiếu có xu hướng rất mạnh.
- Từ 75 đến 100: Cổ phiếu có xu hướng cực kì mạnh (ít khi xảy ra)
Mức hỗ trợ và kháng cự

Mức hỗ trợ là đường nối các điểm đáy giá. Tùy vào đường trend chính (chuyển động giá chiếm ưu thế) mà mức hỗ trợ có thể ở dạng đường nghiêng góc hay đường nằm ngang. Với xu hướng trend tăng giá, đường hỗ trợ có góc nghiêng dương; và với xu hướng giá ổn định đường hỗ trợ nằm ngang.
Mức kháng cự là đường nối lần lượt các đỉnh giá. Tùy vào xu hướng trend chính mà mức này có dạng đường nghiêng góc hay đường nằm ngang. Với xu hướng trend giảm giá, đường kháng cự có góc nghiêng âm; và với xu hướng giá ổn định, đường kháng cự nằm ngang.
CÁC BƯỚC PHÂN TÍCH KỸ THUẬT ĐỂ LỰA CHỌN MUA BÁN CỔ PHIẾU
BƯỚC 1: LỰA CHỌN CHIẾN LƯỢC GIAO DỊCH
Đối với một nhà giao dịch mới bắt đầu, điều đầu tiên cần làm chính là xác định một hệ thống giao dịch với chiến lược cụ thể thông các công cụ chỉ báo như đường trung bình MA, dải Bollinger, RSI,…
Ví dụ đối với chiến lược cắt nhau của các đường trung bình động, nơi họ sẽ theo dõi hai đường trung bình động (50 ngày và 200 ngày) trên một biến động giá cổ phiếu cụ thể.
Đối với chiến lược này, nếu đường trung bình động 50 ngày ngắn hạn vượt lên trên đường trung bình động 200 ngày dài hạn, điều đó cho thấy xu hướng giá lên và ra tín hiệu mua, nếu xảy ra ngược lại là tín hiệu bán.
BƯỚC 2: CHỌN CỔ PHIẾU
Phân tích kỹ thuật là phương pháp lý tưởng dành cho các cổ phiếu có tính thanh khoản cao và biến động mạnh. Trên thị trường với hàng chục nghìn cổ phiếu, trước tiên hãy lựa chọn mình một nhóm ngành tiềm năng, mang lại lợi nhuận vĩ mô trong tương lai. Vì nếu khi một ngành nghề xảy ra biến động sẽ thúc đẩy cực mạnh cho giá cổ phiếu của các doanh nghiệp.
Tiếp đến hãy định giá doanh nghiệp để xác định giá trị của doanh nghiệp mà mình đang nắm giữ cổ phần thông qua các phương pháp như: P/E, P/B, DCF, EV/EBITDA, RNAV,…
Hãy chú ý biên an toàn (Margin of Safety). Dựa trên nguyên tắc định giá doanh nghiệp, không phải lúc nào cũng là một cái giá nhất định. Mức độ biên dao động an toàn theo các chuyên gia khổng lồ như Benjamin Graham, Warren Buffett,… là 25-50%.
BƯỚC 3: XÁC ĐỊNH XU HƯỚNG GIÁ
Ngay sau khi lựa chọn được danh mục cổ phiếu, hãy xác định xu hướng giá. Xu hướng thị trường có thể thể hiện trong dài hạn, trung hạn hay ngắn hạn. Tuy nhiên, hãy nhớ bắt đầu với xu hướng bằng biểu đồ dài hạn hơn, tiếp đó là biểu đồ ngắn hạn hơn để xác định thời điểm giao dịch.
Bạn không cần lướt sóng quá nhiều, chỉ cần với 1-2 đợt sóng với xác định đúng thì bạn đã có thể thu về lợi nhuận khá cao rồi. Hãy mua mới khi xu hướng tăng và bán đi khi xu hướng đảo chiều.
BƯỚC 4: ĐIỂM MUA – ĐIỂM BÁN
Tùy thuộc vào công cụ phân tích kỹ thuật mà bạn sử dụng, bạn có thể xem xét và lựa chọn cho mình những điểm mua và điểm bán tốt nhất. Biểu đồ nến ngày cũng là một lựa chọn tốt để xác định thời điểm. Bạn chỉ nên đánh giá biểu đồ sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày.
Những biến động trong một ngày không quá tin cậy để bạn xác định mua bán ngay trong phiên mà không tính toán kỹ càng. Có thể buổi sáng giá cổ phiếu lên cao nhưng ngày trong buổi chiều giá đã giảm mạnh.
BƯỚC 5: CHỐT LỜI – CẮT LỖ
Đây cũng là một trong những nguyên tắc quan trọng khi tham gia thị trường chứng khoán. Hãy nhớ “Kỷ luật là sức mạnh”.
Khi cổ phiếu đã về tài khoản và bạn có lãi, đó là lúc bạn phải canh để “chốt lời”. Vì một khi thị trường trở xấu hoặc các chỉ báo cho thấy giá cổ phiếu đang chuẩn bị có xu hướng giảm giá thì có thể tất cả công sức của bạn sẽ đổ sông đổ bể.
Tương tự khi giá cổ phiếu xuống quá giới hạn “cắt lỗ”, hãy mạnh tay bán đi. Đừng chần chừ hy vọng kỳ tích xuất hiện vì chẳng có cổ phiếu nào đang giảm mạnh mà có thể tăng ngay trở lại được. Hãy dứt khoát để bảo toàn tài khoản của bạn. Mức 5-7% là mức gợi ý khi mức lỗ đã vượt quá dù bạn theo bất cứ trường phái nào.
Hãy luôn chuẩn bị cuốn nhật ký giao dịch ghi chép đầy đủ những chiến lược, kế hoạch của bạn và luôn kỷ luật với chính những đồng tiền của mình. The Mastro chúc bạn thành công!