Trong khi đa số mọi người đều mong muốn níu giữ tài sản vì mục đích hưởng thụ hoặc để lại cho con cháu thì các tỷ phú giàu “nứt đố đổ vách” của thế giới lại là những người cho đi rất lớn.
Họ có nhiều lý do để cho đi: Có người vì muốn mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp hơn, có người vì muốn cảm ơn cuộc sống đã mang lại cho họ nhiều hơn thứ họ cần, có người thì khiêm tốn cho rằng họ giàu có là vì may mắn nên phải cho đi, có người vì không muốn làm hư con cái…
“Giving Pledge” là một trong những quỹ từ thiện nổi tiếng nhất thế giới, do tỷ phú Warren Buffett, Bill Gates và vợ cũ Melinda sáng lập vào tháng 6/2010. Đây là dự án kêu gọi những người giàu có trên thế giới quyên góp ít nhất một nửa tài sản cá nhân của mình cho các tổ chức từ thiện.
“The Giving Pledge” chỉ là một lời hứa về mặt đạo đức chứ không phải là khế ước cưỡng chế. Tuy vậy, việc sẵn sàng cam kết cho đi phần lớn tài sản cá nhân chứ không để lại cho con cháu là hành động cao cả, mà không phải ai cũng có thể làm được.
Trong danh sách những người cam kết cho đi, có những cái tên nổi tiếng thế giới như người đồng sáng lập Google – Larry Page, người sáng lập eBay – Pierre Omidyar, CEO Elon Musk của tập đoàn Tesla, một trong những người sáng lập của Intel – Gordon Moore, Chủ tịch kiêm CEO của công ty cung ứng dịch vụ phần mềm Salesforce – Marc Benioff …
Dưới đây, là danh sách những nhà tài phiệt nổi trội hơn hẳn (ngoài những cái tên nổi bật như Bill Gates và Warren Buffett):
Elon Musk: Mong muốn thay đổi thế giới
Người ta gọi Elon Musk là gã tỷ phú “điên” thích đốt tiền vào những điều viễn tưởng. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại, “gã điên” Elon Musk đã thực sự thay đổi lịch sử ngành vũ trụ hàng không thế giới, viết nên những giấc mơ không tưởng về tên lửa và du hành vũ trụ, về phủ sóng Internet không gian và “thuộc địa hóa” sao Hỏa.
Là CEO của SpaceX và Tesla, nhà sáng lập The Boring Company, OpenAI và Neuralink; Elon Musk hiện trở thành người giàu nhất hành tinh với số tài sản kỷ lục gần 300 tỷ USD.
Tuy nhiên, điều ít ai biết về tỷ phú Elon Musk là ông từng hứa với tổ chức “The Giving Pledge” rằng sẽ quyên góp hầu hết số tài sản của mình cho từ thiện. Musk đã thể hiện mong muốn thế giới trở nên tốt đẹp hơn trong một phát ngôn đúng “chất ngông” của riêng ông:
“Mỗi người chúng ta đều cần phải làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, bởi vì hủy diệt thế giới là việc vô nghĩa nhất”.
Larry Page: Cùng mọi người cố gắng vì một thế giới tốt đẹp hơn
Cái tên Larry Page không phổ cập như Mark Zuckerberg, Bill Gates hay Steve Jobs, nhưng cũng giống như họ, ông đã cách mạng hoá hoàn toàn Internet khi cùng người bạn học của mình là Sergey Brin tạo nên “huyền thoại” google vào năm 1998.
Trong một lần được Charlie Rose phỏng vấn, Larry Page cho biết ông muốn quyên tặng hầu hết tài sản giống như người bạn của mình, tỷ phú Elon Musk:
“Musk muốn đến sao Hỏa. Mục tiêu này có ý nghĩa sâu sắc, một con người làm việc vì muốn thay đổi thế giới, để nó trở nên tốt đẹp hơn. Nếu công việc của bạn đáng để bạn dành thời gian cho nó thì tiền bạc cũng vậy. Tôi muốn cùng mọi người cố gắng vì một thế giới tốt đẹp hơn”.
Theo đó, kể từ năm 2010 đến 2017, ông đã cho đi 1,5 tỷ USD vì mục đích từ thiện. Page cũng thành lập Quỹ tưởng niệm Carl Victor Page, đặt theo tên của cha mình năm 2006.
George B.Kaiser: Cho đi là vì nhận ra mình đã may mắn khi thành công
George B.Kaiser đã tạo dựng sản nghiệp trị giá 9,2 tỷ USD trong ngành công nghiệp dầu khí và ngân hàng. Hiện ông là chủ tịch của tập đoàn tài chính BOK Financial.
Ông khiêm tốn nói rằng thành công của ông là do may mắn:
“Tôi nghĩ rằng mình đến với cam kết từ thiện chủ yếu thông qua cảm giác có lỗi. Tôi đã sớm nhận ra rằng vận tốt của mình không phải do tính cách hay sáng kiến cá nhân siêu đẳng mà nghiêng về sự may mắn tình cờ”.
Theo đó, Kaiser muốn dùng phần lớn số tiền kiếm được của mình, giúp giải quyết nguyên nhân gốc rễ của đói nghèo và “đảo ngược chu kỳ nghèo khổ mang tính thế hệ”.
Vladimir Potanin: Đây cũng là một cách để bảo vệ con cái của tôi không bị tài sản to lớn ăn mòn
Vladimir Potanin là người sáng lập công ty Interros và cũng là cổ đông chính của công ty sản xuất Niken lớn nhất thế giới – Norilsk Nickel. Theo tạp chí Forbes số ra ngày 2/6/2015, Potanin là người giàu nhất xứ sở bạch dương và là người giàu thứ 60 trên thế giới với khối tài sản 14,5 tỷ USD.
Tỷ phú Potanin muốn dùng tài sản của mình để “ủng hộ các chương trình trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa và phát triển lòng từ thiện”, đặc biệt ở Nga.
Khi tham gia “The Giving Pledge”, Potanin đã viết rằng:
“Tôi tin rằng tiền bạc nên được dùng vào việc công ích, tôi hoàn toàn không hy vọng được xem là nhà từ thiện. Đây cũng là một cách để bảo vệ con cái của tôi không bị tài sản to lớn ăn mòn, nếu không thì tiền tài có thể sẽ khiến chúng đánh mất khả năng nỗ lực trong cuộc sống và động lực tự lực.”
Sara Blakely: Vì tôi từng làm một phụ nữ nhỏ bé và từng được giúp đỡ rất nhiều
Mặc dù không có bằng MBA nhưng Sara Blakely đã thành công sáng lập nên thương hiệu đồ lót Spanx trị giá hàng tỷ USD. Năm 2019, bà được Forbes vinh danh là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới với khối tài sản 1 tỷ USD.
Blakely cũng là người phụ nữ đầu tiên tham gia vào dự án “The Giving Pledge”. Trước đó, vào năm 2006, bà cũng đã thành lập “Quỹ từ thiện Sara Blakely” nhằm giúp đỡ phụ nữ trên toàn thế giới có được cơ hội đi học và lập nghiệp.
Bà nói rằng:
“Vì tôi từng làm một phụ nữ nhỏ bé và từng được giúp đỡ rất nhiều nên tôi mong muốn sau này mình có thể dành phần lớn tài sản để mang tới sự trợ giúp cho những người phụ nữ khác đang gặp khó khăn hơn”
Manoj Bhargava: Để tài sản lại cho con chính là hủy hoại con
Manoj Bhargava được coi là một trong những tỷ phú tự thân thành công nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông đã tạo dựng sản nghiệp tỷ USD sau khi phát triển sản phẩm “nước tăng lực 5-hour Energy” vào đầu thập niên 2000.
Bhargava đã quyên góp hơn một nửa số tài sản của ông cho việc làm từ thiện ở Ấn Độ, bao gồm việc cải thiện nguồn cung cấp nước cho các khu vực nông thôn và giảm lượng chất thải từ nhiên liệu hóa thạch.
Ông cho biết hành động từ thiện cao cả của mình chỉ là vì không muốn làm hư con cái:
“Sự lựa chọn của tôi rất đơn giản, để tài sản lại cho con trai tôi và hủy hoại thằng bé hoặc quyên tặng hầu hết số tiền này cho tổ chức từ thiện”
Pierre Omidyar: Tiền của chúng tôi đã vượt quá số tiền mà chúng tôi cần…
Vợ chồng người sáng lập eBay, ông bà Pierre Omidyar được xem như một trong những nhà từ thiện lớn nhất trong giới khoa học kỹ thuật. Họ đã quyên tặng hầu hết số doanh thu hơn 1 tỷ USD sau khi eBay lên sàn chứng khoán.
Khi tham vào chương trình “Giving Pledge”, vợ chồng Omidyar cho biết:
“Vào năm 2001, chúng tôi đã công khai rằng sẽ quyên góp hầu hết tài sản của mình. Bởi vì tiền của chúng tôi đã vượt quá số tiền mà chúng tôi cần dùng trong cuộc sống quá nhiều rồi, giữ số tiền này trong tay là không cần thiết, nếu hôm nay số tiền này có thể giúp giải quyết những vấn đề khó khăn trên thế giới thì nên được quyên góp”.
Vậy động lực nào khiến các tỷ phú hiến cả sản nghiệp làm từ thiện? Tổng kết lại, nguyên nhân chủ yếu là vì họ không chỉ nghĩ đến bản thân, mà hướng tới những mục đích cao cả, tốt đẹp hơn cho gia đình và xã hội…
Lúc này, có lẽ chúng ta nên đặt câu hỏi ngược lại, vì họ có nhiều tiền nên họ cho đi, hay bởi vì tính cách sẵn sàng cho đi, không nghĩ đến lợi ích cá nhân mà họ có thể tạo nên những điều cao cả và sở hữu gia sản tỷ USD…