Mỗi khi nhắc đến Apple, người ta nhắc đến Steve Jobs. Ông từ một đứa trẻ bị bỏ rơi – Một kẻ bỏ học – Một giám đốc từng bị sa thải – Một doanh nhân thất bại trở thành một lãnh đạo đáng kính ngự trên đỉnh cao của thế giới.
Steve Jobs không chỉ khiến người ta nhớ đến những những thành tựu công nghệ tuyệt vời, mà còn bởi những câu nói sâu sắc và thấm thía, đủ để thay đổi số phận của hàng triệu người.

Ngày 5/10/2011 Steve Jobs qua đời, tài sản ròng của ông ước tính khoảng 8,3 tỷ USD, một con số khó tin với một người trẻ khởi đầu bằng hai bàn tay trắng.
Không ai có thể tưởng tượng, thiếu niên 17 tuổi bỏ ngang đại học, lang bạt tại Ấn Độ khi 20 tuổi, nhưng đến năm 25 tuổi, ông đã vững chắc trên con đường trở thành triệu phú. Hơn thế, chỉ trong vòng 3 thập niên sau, Steve Jobs đã tạo nên cuộc cách mạng ở thung lũng Silicon, làm thay đổi nhận thức, tư duy và tinh thần nhân loại.
Trên thế giới sẽ không nhiều người làm được như thế. Dưới đây là 6 câu nói bất hủ gắn liền với hình ảnh và tên tuổi của Steve Jobs:
1/ “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình, thì tôi có muốn làm những điều mình sẽ làm hôm nay không?”
Nếu như bạn thường xuyên đặt câu hỏi này cho bản thân, trái tim bạn sẽ có lòng can đảm để đi tìm cơ hội, mạo hiểm trong cuộc sống, biết rằng bản thân nên làm gì và cần trân quý điều gì.
Với câu hỏi này, Steve Jobs đã sống trọn cuộc đời mình không lãng phí. Năm 1990, khi đến diễn thuyết tại một trường đại học, Steve Jobs rất muốn hẹn với một cô gái đến tham dự ngày hôm đó, nhưng do có lịch họp nên đành kìm lại những lời muốn nói.
Khi Steve Jobs chuẩn bị đi lấy xe, ông đã tự hỏi mình một câu: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời, thì mình phải làm gì?”. Và thế là, ông đã lập tức chạy đến hội trường tìm cô gái kia. Đó là buổi gặp gỡ định mệnh giữa Steve Jobs và vợ của ông, Laurene Powell.
2/ “Bạn phải tìm ra điều mình thích. Cách duy nhất để đạt được thành quả là yêu lấy những gì mình làm. Nếu vẫn chưa biết mình muốn gì, hãy cứ tiếp tục tìm kiếm. Đừng dừng lại. Cuối cùng, trái tim cũng sẽ lên tiếng khi bạn tìm ra mà thôi”
Với tình yêu và niềm đam mê liên tục được Steve Jobs bơm vào các sản phẩm của Apple, Táo Khuyết đều đặn cho ra mắt những sản phẩm được yêu thích trên toàn cầu như iMac (1998), iPod (2001), iTunes (2003), iphone (2007), và iPad (2010) …
Nhờ đó, Apple không chỉ thoát khỏi bờ vực phá sản mà chỉ 15 năm sau, nó trở thành một trong những công ty lớn và quyền lực nhất thế giới, doanh số bán hàng mỗi năm đạt 100 tỷ USD, tăng trưởng 60% mỗi năm.
3/ “Việc bia mộ khắc tên tôi là người giàu nhất chẳng có ý nghĩa gì. Điều quan trọng là mỗi đêm đi ngủ, bạn có thể tự tin nói rằng ngày hôm đó mình đã làm được việc gì đó có ý nghĩa”. (CNNMoney/Fortune 1993).
Tiền bạc không phải thứ Steve Jobs hướng đến. Ông không nhận bất cứ khoản tiền thưởng, phụ cấp hay cổ phiếu nào trong năm 2010 trừ mức lương tượng trưng 1 USD. Ông nắm trong tay 5,5 triệu cổ phiếu Apple nhưng cũng chưa bao giờ bán chúng từ khi trở lại công ty năm 1997.
Thay vào đó, mục tiêu của Steve Job là tạo ra những sản phẩm có ý nghĩa. Bởi vậy, trong thời kỳ mà Jobs tại vị, Apple bỏ xa mọi đối thủ lại phía sau như Research In Motion (RIM), Motorola, Sony và HTC…
4/ “Tôi tin rằng khoảng một nửa những gì khác biệt giữa doanh nhân thành đạt và không thành đạt là sự kiên trì tuyệt đối”
Trong suốt cuộc đời mình, Steve Jobs luôn kiên trì với những dự án “không tưởng” và gặt hái hết thành công này đến thành công khác.
Một trong số đó việc mở chuỗi cửa hàng bán lẻ Apple. Các cổ đông đã từng e ngại rằng chúng là một rủi ro lớn đối với công ty nhưng ông đã chứng minh điều ngược lại. Hệ thống Apple Store sau này trở thành một “điểm chạm thương hiệu” vô giá, một điểm hẹn hoàn hảo cho các tín đồ công nghệ nói chung và iFan nói riêng. Theo thống kê từ FourWeekMBA, có đến 13.08% doanh thu của Apple là đến từ trải nghiệm dịch vụ.
5/ “Chất lượng quan trọng hơn số lượng. Một lần home-run còn hơn hai lần double”.
Nếu Bill Gates là một thiên tài kinh doanh đi làm phần mềm thì Steve Jobs là một nghệ sĩ đi làm máy tính. Jobs đã để lại rất nhiều truyền thuyết về phong cách lãnh đạo đặc biệt của mình, ông kiên trì với những tiêu chuẩn khắt khe tới từng chi tiết nhỏ dành cho phần cứng và phần mềm của hãng.
Khi ngành công nghiệp máy tính còn đang sản xuất những chiếc hộp hình chữ nhật bằng kim loại xám xịt, Jobs đã nghĩ ra những hình mẫu khác. Với ông, vẻ ngoài các sản phẩm của Apple phải như một chiếc Porsche, hoặc một món ăn ở nhà hàng năm sao.
6/ “Anh có thực sự muốn cả đời ngồi bán nước pha đường không? Hay anh muốn làm thay đổi thế giới?”
Đây chính là câu nói nổi tiếng mà Steve Jobs dùng để thuyết phục John Sculley, lúc đó đang là giám đốc Marketing của Pepsi về làm Giám đốc điều hành cho Apple vào năm 1985, cũng chính là câu nói thể hiện phương châm sống của cuộc đời ông.
Steve Jobs quả thật đã làm thay đổi thế giới.
Ai đó đã so sánh Steve Jobs với bậc thầy về phát minh Thomas Edison. Dưới thời Jobs, Apple không chỉ tạo ra những sản phẩm làm thay đổi thế giới, kiếm tiền từ những sản phẩm mình làm ra, mà còn là bậc thầy trong việc kiếm tiền từ những sáng tạo của người khác. Bạn tải ứng dụng đọc báo The New York Times về điện thoại ư? Apple sẽ kiếm được tiền. Bạn nghe nhạc Beatles trên iPhone, Apple cũng kiếm được tiền. Bạn mua ứng dụng từ App Store: Đương nhiên là Apple cũng có tiền bỏ túi.
Đến đây, lại có người hỏi lại: Vậy rút cuộc Jobs là ai? Nhà phát minh? Nhà chiến lược? Người bán hàng? Hay nghệ sĩ giải trí? Thật khó để xác định Steve Jobs là ai, bởi tất cả những danh xưng ấy với ông đều có phần đúng. Có người đã gọi Steve Job là “bậc thầy phù thủy”.
(Tổng hợp bởi TheMastro)