Lập ngân sách là một phần quan trọng của một nền tảng tài chính vững chắc. Có ngân sách hàng tháng giúp bạn quản lý tiền bạc, kiểm soát chi tiêu, tiết kiệm tiền nhiều hơn và trả hết nợ.
Nếu không biết chính xác về số tiền cũng mục đích của những khoản thu chi, bạn sẽ dễ bị chi tiêu quá mức hoặc dựa vào thẻ tín dụng và các khoản vay để thanh toán cho các hóa đơn của mình. Cùng The Mastro khám phá các bước tạo ngân sách hàng tháng giúp theo dõi thu chi hiệu quả nhất!
1. Liệt kê thu nhập của bạn
Hãy bắt đầu bằng cách viết ra số tiền bạn thu về mỗi tháng. Cộng tất cả các nguồn thu nhập cố định như : tiền lương, tiền cấp dưỡng, v.v. Nếu bạn có khoản thu nhập từ công việc phụ nhưng không phải khoản thu thường xuyên, đừng cho số tiền đó vào thu nhập trong ngân sách của bạn. Nếu bạn đang tự kinh doanh hoặc có thu nhập không cố định, hãy sử dụng thu nhập trung bình hàng tháng hoặc ước tính thu nhập bạn nhận được trong một tháng cụ thể.
2. Viết ra các khoản chi phí
Một số chi phí hàng tháng của bạn là cố định, như tiền thế chấp / tiền thuê nhà, thuế bất động sản, tiền cấp dưỡng. Trong khi cũng có những khoản khác có thể thay đổi, chẳng hạn như điện, nước và mua thực phẩm.
Liệt kê tất cả các khoản chi phí cố định và số tiền tương ứng của khoản chi phí đó. Đối với các chi phí biến đổi của bạn, hãy ghi số tiền tối đa bạn định chi cho danh mục đó hoặc số tiền bạn dự kiến sẽ chi. Ví dụ: bạn có thể dự định chi 500 đô la mua thực phẩm và 150 đô la cho tiền xăng.
Sử dụng bảng sao kê ngân hàng và thẻ tín dụng trước đây của bạn để giúp bạn tìm ra những gì bạn thường chi tiêu mỗi tháng. Xem lại chi tiêu trước đây của bạn cũng có thể giúp bạn phát hiện ra các loại chi tiêu mà bạn có thể đã bỏ qua mà chưa liệt kê.
Một số chi phí của bạn không phát sinh mỗi tháng, nhưng hạch toán các khoản chi phí định kỳ đó trong ngân sách hàng tháng của bạn có thể giúp bạn dễ dàng chi trả hơn khi đến hạn. Chia chi phí hàng năm cho 12 và chi phí nửa năm cho sáu để đưa ra số tiền hàng tháng cần tính vào các hạng mục đó.
3. Tính thu nhập ròng của bạn
Thu nhập ròng của bạn là số tiền còn lại sau khi tất cả các hóa đơn được thanh toán. Tất nhiên bạn muốn đây là một con số dương để bạn có thể trả nó vào khoản nợ, đưa vào khoản tiết kiệm hoặc các mục tiêu tài chính khác của mình. Tính thu nhập ròng của bạn bằng cách lấy thu nhập hàng tháng trừ đi các khoản chi phí. Hãy viết số ra ngay cả khi nó là số âm.
4. Điều chỉnh chi tiêu của bạn
Nếu thu nhập ròng của bạn âm, điều đó có nghĩa là bạn đã chi tiêu nhiều hơn thu nhập của mình. Nếu không sớm thay đổi điều này, bạn có thể phải sử dụng thẻ tín dụng, vay tiền hoặc thấu chi tài khoản của mình để tiêu dùng trong tháng.
Các chi phí biến đổi thường là những khoản mà bạn có thể điều chỉnh chi tiêu dễ dàng nhất, ví dụ như ăn nhà hàng, du lịch và giải trí. Thậm chí một số chi phí cố định của bạn có thể điều chỉnh được, chẳng hạn như giảm hóa đơn điện thoại, hủy thẻ thành viên phòng gym hoặc không đi nghỉ mát trong năm nay.
Đánh giá chi tiêu của bạn bằng cách phân tích “mong muốn với nhu cầu”. Giảm hoặc loại bỏ chi tiêu trong hạng mục “muốn” để có thêm chỗ cho những thứ bạn “cần” chi tiền.
5. Theo dõi chi tiêu của bạn
Cuối cùng, hãy thường xuyên theo dõi chi tiêu thực tế của bạn và so với ngân sách đã lập. Nếu bạn chi tiêu vượt quá ngân sách, việc theo dõi thường xuyên sẽ giúp bạn tìm ra mục bạn đã tiêu quá tay. Trong tương lai, bạn hãy cẩn thận hơn để không chi tiêu quá mức trong lĩnh vực đó. Hoặc bạn có thể phải điều chỉnh ngân sách của mình để bù đắp cho khoản chi tiêu bổ sung. Nếu bạn tăng ngân sách của mình ở một mục, thì hãy giảm ngân sách ở mục khác để giữ cho ngân sách của bạn được cân bằng.
Bạn cần thường xuyên theo dõi chi tiêu của mình và nhớ so sánh các khoản chi với ngân sách của mình. Bạn theo dõi ngân sách của mình càng thường xuyên càng tốt, đặc biệt là khi bạn mới bắt đầu. Theo thời gian, bạn sẽ có thể dự đoán chính xác số tiền bạn cần phân bổ cho mỗi mục. The Mastro chúc bạn thành công!